Luật chơi cờ tư lệnh

Submitted by haiduong on Sun, 03/11/2012 - 16:02

Cờ tư lệnh

QUÂN BỘ BINH, QUÂN DÂN QUÂN TÓC DÀI

Quân bộ binh (B)

Mỗi bên có hai quân bộ binh đứng ở hai đầu chiến tuyến.

Quân bộ binh là biểu tượng của bộ binh nói chung, bộ binh cơ giới và cả đặc công.

Quân bộ binh được phép đi tiến hoặc lui hoặc đi ngang, nghĩa là tung hoành dọc ngang theo trục, cả bốn phía, nhưng tầm đi và tầm ăn quân đối phương chỉ là từng nấc từng đoạn một.

Quân bộ binh được phép đi và ăn qua sông, ăn cả mục tiêu trên biển cách nó một nấc. Khi ăn trên biển quân bộ binh không phải thế chỗ, mà vẫn đứng tại chỗ.

Khi bộ binh đã có cơ hội chiếu tư lệnh đối phương, sẽ trở thành quân anh hùng và lúc này chẳng những được nới tầm thêm một nấc mà còn được phép đi và ăn chéo 45 độ.

Xem hình 4:

Quân bộ binh tuy chỉ có hai quân nhưng khi chiến đấu hợp đồng binh chủng, quân bộ binh được quân pháo binh chi viện hỏa lực, được quân xe tăng, quân công binh hỗ trợ chiến đấu mở đường, được quân cao xạ vừa bảo vệ trên không vừa hỗ trợ chiến đấu phía dưới. Bộ binh còn được quân dân quân tóc dài phối hợp.

Quân dân quân tóc dài (D) tầm đi và tầm ăn giống như quân bộ binh nhưng quân dân quân tóc dài có thế mạnh là được phép đi và ăn chéo quân đối phương ở góc 45 độ. Bốn phương tám hướng. Điều này thế hiện vai trò của nhân dân trong chiến tranh bảo vệ tổ quốc.

Cờ tư lệnh

QUÂN XE TĂNG, QUÂN PHÁO BINH, CÔNG BINH

Quân công binh. (C)

Mỗi bên có hai quân công binh. Quân công binhđi và ăn quân đối phương trong tầm một nấc theo trục tung và hoành, hoàn toàn như quân bộ binh.

Quân công binh phải đi trước để bắc cầu cho pháo, cao xạ, tên lửa qua đoạn sông sâu, khi cơ động.

Nhưng khi pháo binh, cao xạ, tên lửa ăn trực tiếp quân đối phương bên kia sông thì được phép vượt qua sông ngay, không phải đi sau công binh.

Quân xe tăng. (T)

Mỗi bên có hai quân xe tăng. Quân xe tăng tầm đi và ăn tối đa là hai nấc theo trục dọc và ngang, miễn là không vướng vật cản. Nghĩa là tùy, có thể đi một hoặc hai nấc và ăn quân đối phương một hoặc hai nấc.

Quân xe tăng vượt sông bất cứ đoạn nào dù nước sâu hay nông.

Quân xe tăng được phép đứng tại chỗ ăn quân trên biển (tầu chiến) nhưng khi ăn quân đang trên bờ biển thì phải thế chỗ. Trường hợp phải thế chỗ, cần tính toán cho kỹ kẻo rơi vào bẫy của đối phương.

Quân pháo binh. (P)

Mỗi bên có bốn quân pháo binh.  Hai quân pháo binh trên mặt đất và hai quân pháo binh trên tàu chiến. Tầm đi và ăn của quân pháo binh tối đa là ba nấc.

Ngoài được phép đi và ăn theo trục tung và hoành, pháo còn được đi và  ăn chéo 45 độ. (bao gồm tám hướng) Do đó pháo binh là quân mạnh.

Khi đi pháo không được phép vượt qua vật cản, nhưng khi ăn quân đối phương, do đường đạn cầu vồng nên được phép vượt qua khối chắn nhưng buộc phải thế chỗ vào chỗ ăn quân đối phương.

Quân pháo binh khi cơ động vượt sông được phép vượt qua đoạn ngầm nước nông. Nếu vượt qua đoạn nước sâu phải đi sau công binh, trường hợp ăn trực tiếp quân đối phương bên kia sông thì được phép thế chỗ ngay.

Pháo ăn quân đối phương trên đất liền buộc phải thế chỗ, ăn quân trên mặt nước (như tàu chiến) được phép đứng tại chỗ ăn quân đối phương.

Pháo trên tàu chiến bắn vào đất liền cứ đứng tại chỗ không phải thế chỗ, nên rất an toàn. Đối phương cần hết sức cảnh giác với pháo trên tàu chiến.

Xem hình 5:

Quân xe tăng, công binh, pháo binh khi đã chiếu tư lệnh trở thành quân anh hùng thì đều được nới tầm đi và ăn thêm một nấc. Xe tăng, công binh lúc này không những được đi và ăn thẳng mà còn được đi và ăn chéo 45 độ.

Cờ tư lệnh

QUÂN CAO XẠ, QUÂN TÊN LỬA PHÒNG KHÔNG

Quân cao xạ. (F)

Mỗi bên có bốn quân cao xạ: hai quân cao xạ trên mặt đất, hai quân cao xạ trên tàu chiến.

Quân cao xạ được phép đi và ăn từng nấc một với mục tiêu dưới mặt đất, với mục tiêu trên trời, quân cao xạ tạo lưới lửa phòng không vòng tròn có bán kính bằng một nấc.

Máy bay đối phương vô tình chạm vào vòng hỏa lực phòng không sẽ bị cháy.

Nếu máy bay đối phương chủ định tiêu diệt trận địa cao xạ, bay đâm thẳng vào trận địa cao xạ thì một đổi một. Nghĩa là cả hai bên đều mất quân.

Khi qua sông cao xạ được phép đi qua đoạn ngầm nước nông. Nếu qua đoạn nước sâu phải đi sau công binh bắc cầu.

Nếu cao xạ ăn trực tiếp mục tiêu bên kia sông thì cao xạ được phép thế chỗ bên kia sông ngay, không cần phải đi sau công binh.

Cao xạ mặt đất khi ăn mục tiêu trên biển. Cứ đứng tại chỗ ăn quân trên biển, không cần phải thế chỗ. Ngược lại cao xạ trên biển ăn quân mặt đất cũng không phải thế chỗ.

Quân tên lửa phòng không (L)

Quân tên lửa phòng không, mỗi bên chỉ có một. Chủ yếu để bảo vệ khu sở chỉ huy.

Quân tên lửa phòng không tạo lưới lửa trên không có bán kính là hai nấc. Máy bay vô tình chạm vào vòng hỏa lực đều bị cháy. Nếu đối phương chủ định dùng máy bay oanh kích tiêu diệt trận địa tên lửa phòng không, nghĩa là đâm thẳng vào tâm trận điạ tên lửa thì cả hai đều bị tiêu diệt, nghĩa là một đổi một.

Quân tên lửa phòng không, được phép đi và ăn quân đối phương dưới đất từ một đến hai nấc theo trục tung, trục hoành và theo đường chéo 45 độ trong phạm vi bán kích bằng hai nấc tính từ tâm trận địa. Nghĩa là khi đi và ăn theo đường chéo thì chỉ được một nấc.

Khi cơ động qua sông, tên lửa phòng không được phép đi qua ngầm. Nếu qua đoạn nước sâu phải đi sau bộ binh.

Trường hợp ăn trực tiếp quân đối phương bên kia sông thì được phép nhảy sang thế chỗ.

Trường hợp ăn quân đối phương trên biển thì được phép đứng tại chỗ, không phải thế chỗ.

Tên lửa phòng không với bán kính hỏa lực hai nấc, bắn được tám hướng cả mục tiêu trên trời và dưới đất, vì vậy tên lửa phòng phòng không là quân phòng ngự mạnh. Muốn mở cửa mở tấn công vào sào huyệt của tư lệnh đối phương phải tìm cách tiêu diệt quân tên lửa phòng không. Có khi phải hy sinh máy bay để diệt tên lửa phòng không.

Khi đã chiếu tư lệnh đối phương, được phong anh hùng thì cao xạ, tên lửa được tăng tầm đi và ăn thêm một nấc.

Xem hình 6

Xem hình 6 ta thấy các vành đai hỏa lực của 4 trận địa cao xạ và một trận địa tên lửa tạo thành bức tường lửa ngăn chặn không quân đối phương.

Chí có hai quân công binh và một quân bộ binh lúc đầu đứng ngoài vòng bảo vệ của lưới lửa phòng không, mà máy bay đối phương có thể ăn được.

Chỉ có một đường sơ hở bên mép phải bàn cờ máy bay có thể lọt vào sâu trong trận địa phòng ngự của đối phương.

Cờ tư lênh.

Quân máy bay. (K)

Mỗi bên có hai quân máy bay. Máy bay có tầm đi và ăn quân đối phương từ một đến bốn nấc trên trục tung, trục hoành và trên đường chéo 45 độ. Vậy là máy bay có thể chiến đấu trên bốn phương tám hướng.

Máy bay được phép đi và ăn quân đối phương vượt qua khối chắn.

Sau khi ăn quân đối phương, máy bay được phép thế chỗ hoặc bay ngay về nơi xuất phát, nếu nơi thế chỗ không an toàn.

Máy bay vô tình bay xâm phạm vành đai hỏa lực của cao xạ máy bay lập tức bị cháy.

Nếu máy bay chủ định tiêu diệt trận địa cao xạ hoặc trận địa tên lửa phòng không nghĩa là lao thẳng vào tâm vị trí trận địa cao xạ, cao xạ trên mặt đất hay trên tàu chiến, thì cả hai bên đều bị tiêu diệt. Có nghĩa là một đổi một.

Máy bay sau khi chiếu tư lệnh trở thành máy bay tàng hình, tầm đi và ăn thêm một nấc, khi máy bay bay qua và oanh kích cao xạ không bị cháy. Xem hình 7

Cờ tư lệnh

TÀU CHIẾN

Tàu chiến hải quân (H)

Mỗi bên có hai quân tàu chiến. Trên mỗi tàu chiến lại có tên lửa hải đối hải (HL), có pháo hạm (HP), có cao xạ (HF).

Tầm bắn của tên lửa hải đối hải từ một đến bốn đoạn. Có thể bắn tới bốn phương tám hướng nghĩa là theo trục tung, trục hoành và cả đường chéo. Nhưng trên bàn cờ, chỉ theo chiều dọc bàn cờ là đủ tầm bắn, còn bắn theo đường ngang và đường chéo chỉ được một tới hai đoạn.

Mục tiêu của tên lửa hải đối hải chỉ nhằm vào tàu chiến của đối phương, không nhằm vào các mục tiêu khác.

Mục tiêu của pháo hạm trên tàu chiến thì nhằm tới mọi mục tiêu trong tầm bắn của nó, theo đúng như tiêu chuẩn của pháo mặt đất, nghĩa là từ một đến ba nấc và được phép đứng tại chỗ ăn quân trong đất liền không phải thế chỗ, vì vậy người chỉ huy phải hết sức cảnh giác để không bị pháo trên tàu biển đối phương ăn quân.

Cao xạ trên tàu chủ yếu chỉ để phòng không bảo vệ tàu, nhưng hoàn toàn có thể ăn quân đối phương trong tầm hỏa lực, như cao xạ trong đất liền.

Tàu chiến dùng pháo bắn mục tiêu đối phương nằm ở bờ biển thì phải thế chỗ khi ăn. Xem hình 8

GIÁ TRỊ TÍNH THEO ĐIỂM CỦA CÁC QUÂN CỜ, CÁC VÁN CỜ

 

Giá trị các quân cờ thường

 

Quân bộ binh, công binh, cao xạ, dân quân                    10 điểm

 

Xe tăng, tên lửa phòng không                                         20 điểm

 

Pháo binh mặt đất                                                            30 điểm

 

Máy bay                                                                           40 điểm

 

Tàu chiến (tên lửa hải đối hải 40+pháo30 + cao xạ 10=  80 điểm

 

Tư lệnh                                                                            100 điểm

 

Giá trị các quân cờ anh hùng

 

Bất cứ quân cờ nào trực tiếp chiếu tư lệnh đối phương được một lần đều được phong anh hùng và số điểm của quân anh hùng được tăng thêm mười điểm, nghĩa là tầm đi và ăn được thêm một nấc.

 

Ví dụ:

 

Bộ binh được phong anh hùng thì được đi và ăn tầm hai nấc ngoài ra còn được quyền đi và ăn chếch 45 độ. Xe tăng được phong anh hùng thì được đi và ăn quân đôi phương tầm ba nấc, và cũng được đi và ăn chếch 45 độ

 

Pháo binh anh hùng từ ba lên bốn nấc.

 

Tàu chiến anh hùng từ bốn nấc lên năm nấc.

 

Riêng máy bay khi được phong anh hùng rồi thì thành máy bay tàng hình, được tăng thêm tầm đi và ăn một nấc, được phép bay qua dải hỏa lực cao xạ mà không bị cháy.. Bình thường quân máy bay ăn quân máy bay phải thế chỗ. Nhưng khi là máy bay anh hùng thì khi ăn máy bay đối phương không phải thế chỗ, có thể thế chỗ hoặc trở lại vị trí cất cánh.

 

Giá trị một ván cờ.

 

Giá trị một ván cờ tính theo kiểu kết thúc cuộc đấu trên bàn cờ.

 

Có bốn kiểu kết thúc cuộc đấu trên bàn cờ:

 

- Đấu trên biển kết thúc khi một bên mất cả hai tàu chiến. Cách tính điểm như sau: Tổng số điểm các quân ăn được của mỗi bên. Bên nào thắng thì được thưởng thêm số điểm bằng số điểm của hai tàu chiến. ( 80 x 2 = 160 điểm)

 

- Đấu trên không kết thúc khi một bên mất cả hai máy bay. Cách tính điểm như sau: Tổng số điểm các quân ăn được của mỗi bên. Bên nào thắng thì được thưởng thêm số điểm bằng số điểm của hai máy bay ( 40 x 2= 80 điểm)

 

- Đấu trên bộ kết thúc khi một bên mất cả hai quân bộ binh, hai quân xe tăng, hai quân pháo binh, ba lực lượng chiến đấu của lục quân. Cách tính điểm như sau: Tổng số điểm các quân ăn được của mỗi bên. Bên nào thắng thì được thưởng thêm số điểm bằng số điểm của hai quân bộ binh, hai quân pháo binh, hai quân xe tăng công lại ( 20 + 40 + 60 =120 điểm)

 

- Đấu tổng lực kết thúc khi một bên mất tư lệnh. Cách tính điểm như sau: Ngoài tổng số điểm các quân ăn được của mỗi bên. Bên nào thắng thì được thưởng thêm 200 điểm.

 

Khi chơi theo giờ, chưa có thể kết thúc cuộc đấu theo bất kỳ dạng nào, thì bên nào ăn quân được nhiều điểm hơn bên đó thắng.

 

Khi đấu tranh giải, đấu theo giờ năm ván, bên nào có nhiều ván thắng hơn bên đó thắng. Bên nào đấu ba ván thắng liền ba ván thì bên đó thắng.

CỜ TƯ LỆNH.

MỘT NƯỚC CỜ HAY

Cờ tướng chiếu Tướng

 Cờ Tư lệnh chiếu Tư lệnh

Chiến thuật của quân xanh

Quân xanh hiện có hai quân áp sát tư lệnh đối phương.

Một là quân pháo, hai là quân máy bay.

Ý đồ chiến thuật của Tư lệnh quân xanh là:

Dùng hai quân này ăn quân tên lửa của quân đỏ đồng thời chiếu Tư lệnh.

Xem hình vẽ:

* Quân máy bay xanh hiện đứng ở vị trí cách quân tên lửa đỏ bốn ô, ngoài tầm kiểm soát của lưới lửa phòng không tên lửa (chỉ có 3 ô), nhưng máy bay ăn cao xạ hay tên lửa thỉ phải một đổi một, nghĩa là máy bay tiêu diệt được tên lửa nhưng máy bay cũng bị cháy, làm gì có cơ hội chiếu diệt Tư lệnh đỏ.

* Quân pháo binh xanh hiện cách tên lửa 2 ô có vướng khối chắn, theo luật pháo binh được đi và ăn thẳng, ăn chéo 45 độ quân đối phương từ một đến ba ô, được vượt qua khối chắn. Vậy quyết tâm của Tư lệnh xanh là dùng pháo binh xanh diệt tên lửa đỏ đồng thời chiếu Tư lệnh đỏ. P4,4@L2,6>*

* Nhưng tên lửa đỏ đang được trận địa pháo binh đỏ cách 3 ô  bảo vệ. Pháo binh đỏ lập tức ăn pháo binh xanh anh hùng. P2,9@P2,6

* Lúc này Tư lệnh xanh mới có cơ hội dùng máy bay xanh diệt pháo binh đỏ đồng thời chiếu tư lênh đỏ. K2,2@P2,6>*

* Tư lệnh đỏ bị động vội thụt vào bên sườn một ô. *0,6_0,7

* Tư lệnh xanh tranh thủ cho máy bay diệt ngay bộ binh trên trục đường nối liền hai sở chỉ huy.(Theo dõi trên hình vẽ) K2,6@D4,6

* Tư lệnh đỏ cũng tranh thủ cơ hội dùng quân pháo trực sẵn gần chỉ huy sở của Tư lệnh xanh, định chiếu Tư lệnh xanh, nhưng xuống dưới thì bị hỏa lực pháo trên tàu chiến xanh diệt (3 ô), ăn chéo quân công binh xanh lên một ô thì lại bị quân cao xạ xanh bên cạnh diệt. Tư lệnh đành cho máy bay bay vượt khối chăn ăn chéo xe tăng quân xanh, định bụng nước tiếp theo sẽ phá công sự của sở chỉ huy xanh cách 3ô đồng thời chiếu Tư lênh xanh. K6,3@T8,5

* Nhưng không kịp Tư lệnh xanh đã cho máy bay bay thẳng tới vị trí của Tư lệnh đỏ chiếu hết (cách 4 ô) K4,6_0,6^*Lúc này nếu Tư lệnh đỏ ăn máy bay thị lộ mặt Tư lệnh, phạm qui, Tư lệnh đỏ đành chịu thua. Vì nếu Tư lênh đỏ rút tận cùng tới 4 ô thì cũng trong tầm hỏa lực của máy bay. Nếu Tư lênh đi ngược lên công sự thì cũng bị máy bay diệt, vì máy bay được đi và ăn thẳng ăn chéo từ 1 đến 4 ô.

Liệu các tư lệnh trẻ nào có chiến thuật hay cứu được Tư lệnh đỏ? Nếu cứu được thì dân cơ Tư lệnh sẽ phong cho bạn là Siêu Tư lệnh.