tintucvietnam.vn/gap-go-cha-de-mon-co-tu-lenh....

Submitted by haiduong on Tue, 12/26/2017 - 16:12

tin tuc viet nam, tin tuc, tin nong
NGƯỜI VIỆT 5 CHÂU
TRANG CHỦThời sự

Gặp gỡ ‘cha đẻ’ môn cờ Tư lệnh: Người đưa lịch sử Việt Nam lên bàn cờ
14:34 23/12/2017
Sau bao năm trầm mình dưới mưa bom bão đạn, người chiến sỹ ấy được rèn dũa tinh thần thép với những chiến công lẫy lừng. Về với thời bình, Đại tá Nguyễn Quý Hải lại đưa những hào hùng lịch sử vào từng quân cờ Tư lệnh.
Ký ức hào hùng thấm đẫm chiến thuật trong nước cờ Tư lệnh
Gặp gỡ ông lão có mái tóc bạc phơ trong một buổi chiều tà giữa mùa đông lạnh buốt giữa lòng thủ đô Hà Nội. Cuộc trò chuyện ấm cúng và nhẹ nhàng nhưng vẫn đọng lại cho người nghe dư âm tráng ca qua từng lời kể về sự nghiệp cách mạng trên con đường tuổi trẻ của ông.
Ông là Đại tá Nguyễn Quý Hải, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 2 (hay còn gọi là Tiểu đoàn pháo binh Bông Lau anh hùng), Trung đoàn 38, pháo 130 mm, từng tham gia chiến trường Quảng trị năm 1972. Người này cũng chính là cha đẻ môn cờ Tư lệnh đang được cộng đồng quan tâm.
Nỗi niềm đau đáu không chỉ thời chiến mà trong cả thời bình
…“Năm 1949 tôi tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ chống Pháp. Đến thời chống Mỹ, tôi dạy học tại trường Sỹ quan pháo binh. Quá trình ấy giúp tôi nắm rất chắc các chiến thuật nên năm 1972 tôi được cử làm Tiểu đoàn trưởng pháo 130 mm ở Quảng Trị.
Trong quá trình thực thi nhiệm vụ, có một giai đoạn dài bảo vệ bờ biển, đó cũng là ấn tượng sâu sắc để tôi đưa biển và trời vào bàn cờ trong môn cờ Tư lệnh khi hòa bình lặp lại.
Với tư duy đất nước ta rất cần người chỉ huy giỏi, không chỉ mặt trận quân sự mà còn lĩnh vực kinh tế, hình ảnh giúp tôi liên tưởng đến môn cờ này chính là Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp. Chính vì vậy, cờ Tư lệnh ra đời từ đó.
Cờ Tư lệnh gắn liền với quê hương VN, gắn liền với lịch sử về Điện Biên Phủ trên không và hạm đội anh hùng.
Trong bàn cờ có bộ binh, công binh, dân quân, tàu chiến, cao xạ (hai nòng); xe tăng; pháo binh; tên lửa; sở chỉ huy; máy bay; tư lệnh...
Hiện tại, cờ Tư lệnh được đưa vào quân đội là trò giải trí cho các chiến sỹ.
Con cờ giống cờ tướng, nhưng hình ảnh in trên con cờ chính là tên gọi của nó. Vì vậy, người chưa biết cũng rất dễ nhận dạng và dễ nhớ: “Khi thực hiện xong ý tưởng về môn cờ này, tôi đi tìm kiếm những chiếc nắp chai để làm quân cờ và nghiên cứu nước đi của chúng.
Nhìn thấy nhóm người tập trung trong quán nước chơi cờ tướng, tôi thấy vô nghĩa và thực sự cũ kỹ. Từ đó tôi càng có thêm động lực để mau chóng ra mắt môn cờ Tư lệnh.
Hàng ngàn năm nay, bàn cờ luôn vuông theo trái đất, kể cả cờ tướng hay cờ vua. Nhưng cờ Tư lệnh có sự khác biệt, nó biểu hiện rõ vùng biển và vùng trời, màu xanh biểu hiện của vùng biển và vùng sông. Trên đường sông cũng có những đường ngầm để các phương tiện đi lại, màu trắng là biểu hiện của đất liền.
Trên bàn cờ thể hiện tính cách mạng. Đó là những biểu hiện phản ánh vô cùng thực tế về quê hương và bầu trời Việt Nam. Đây là vùng nóng của thời đại bây giờ, không chỉ trong lịch sử.
Ở những môn cờ khác ăn quân sẽ thế chỗ, ở cờ Tư lệnh không như vậy, một lần nữa tính cách mạng thể hiện trong lối chơi, khi ăn quân đối phương, các quân cờ vẫn đứng yên tại chỗ trong một số trường hợp.
Pháo binh muốn bắn tàu chiến thì không thể nhảy ra giữa biển được. Từ mấy thế kỷ nay, chiến tranh đã lùi xa, hòa bình lặp lại nhưng chưa có trò chơi hay bất kỳ thứ gì phản ánh được điều đó.
Trong bàn cờ còn có lối chơi máy bay tàng hình, khi máy bay bình thường, chạm vào cao xạ trên trời sẽ bốc cháy. Vì vậy, để có chiến lược hay, đôi khi phải chấp nhận hi sinh. Điều ấy thể hiện tính giáo dục cao cho người điều khiển quân bài.
Nếu máy bay chiếu tư lệnh, khi ấy máy bay trở thành máy bay anh hùng, máy bay tàng hình. Khi này, máy bay mang sức mạnh hào hùng, mãnh liệt. Với chức năng tàng hình, máy bay tiêu diệt quân thù một cách nhẹ nhàng mà vô cùng khó bị phá hủy.
Trong bàn cờ có vùng trời, cao xạ, điều này tập cho người chơi làm quen với không gian. Trong lối chơi các quân cõng nhau được. Ví dụ như, khi cần thần tốc, dân quân có thể nhảy lên xe tăng dẫn đường vào chiến dịch. Máy bay có thể hạ cánh trên tàu chiến, khi này tàu chiến trở thành sân bay.
Bàn cờ tạo cơ hội cho người chơi có cái nhìn toàn diện, ứng phó mau lẹ với mọi tình huống.
Con đường đưa cờ Tư lệnh ra thế giới
Sau khi nghiên cứu xong, tôi đưa lên mạng, Rene Gralla một kiện tướng cờ vua nước Đức đã liên lạc qua Đại sứ quán Việt Nam xin gặp tác giả. Sau đó họ gửi tôi một bảng hỏi dài 32 câu để phỏng vấn và đăng bài tại báo Nước Đức mới.
“Gần đây, họ ngỏ ý mời tôi sang để giới thiệu cờ Tư lệnh với khối NATO. Tuy nhiên, tôi phải cáo lỗi vì sức khỏe không cho phép”, ông nói.
Để nuôi tiếp niềm đam mê được truyền cho giới trẻ, ngày ngày, đại tá Nguyễn Quý Hải vẫn đi về trên con xe máy cũ của mình để dạy miễn phí tại trường Tiểu học Mai Dịch, trường Phúc Diễn; trường Đại Mỗ...: “Tôi dạy vì đam mê, hoàn toàn miễn phí. Học sinh đón nhận bằng lòng say mê, rất thích thú”, ông hào hứng chia sẻ.
Nỗi niềm còn đau đáu trong từng câu nói: “Tôi khát khao đứa con tinh thần của mình nhận được sự ủng hộ của cơ quan nhà nước để cờ Tư lệnh bước chân vào Seagame 31 sắp tới. Bên Anh Quốc, họ xin phép tôi để lập trình cờ Tư lệnh để được lập trình trên window nhưng ở VN người ta chưa thực sự quan tâm đến nó”.

Ước mơ của mình, đại tá Nguyễn Quý Hải mong muốn cờ Tư lệnh được đưa vào các trường học, trở thành trò tiêu khiển cho giới trẻ.
Hiện nay cờ tư lệnh đã có mặt ở Anh, Đức, Mỹ, Nga, Thụy Sỹ,... đã được dịch ra 5 thứ tiếng để phục vụ người chơi.
Tính đến thời điểm này, cờ Tư lệnh được quân đội đón nhận và có quyết định phổ biến đến toàn các chiến sỹ. Tổng cục Thể dục Thể thao phối hợp với Trung tâm huấn luyện Miếu Môn mời tôi vào đào tạo giáo viên cờ tư lệnh trong quân đội.

Đây là môn thể thao mang đầy tính trí tuệ và lịch sử. Tôi hi vọng rằng giới trẻ tiếp cận được ngày càng nhiều trò chơi này, giúp họ hiểu về lịch sử, hiểu về những lối đánh thần tốc của cha ông. Đồng thời, giúp cho trí tuệ của giới trẻ thêm tinh thông, linh hoạt.
Cù Thị Hiền