Báo Cao Bằng giới thiệu cờ tư lệnh

Submitted by haiduong on Wed, 11/13/2013 - 18:51

Thứ sáu 08/11/2013 15:00

Nhằm đáp ứng nhu cầu thưởng thức bộ môn thể thao nghệ thuật giải trí về chơi cờ và với mong muốn nước ta có thêm một loại cờ giải trí mang màu sắc Việt Nam, Đại tá, nhà văn Nguyễn Quý Hải, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn pháo 130 mm trong chiến dịch tiến công Quảng Trị năm 1972, đã xây dựng thành công loại cờ mới: Cờ Tư lệnh.

 

 

 

Đại tá Nguyễn Quý Hải và Giấy chứng nhận Bản quyền tác giả.

Cờ Tư lệnh thỏa mãn nhu cầu giải trí ngày càng tăng của cộng đồng. Ngoài tính giải trí, thư giãn cờ Tư lệnh mang đậm tính trí tuệ, vừa hình thành cho người chơi biết cách tổ chức sử dụng lực lượng có hiệu quả, tốn ít quân mà giành được thắng lợi.

Cờ Tư lệnh phù hợp với người lớn tuổi và lớp trẻ, vừa có thể chơi với bộ cờ sừng có giá cao dành cho bậc trung lưu, cũng có thể làm bằng tấm giấy vừa đủ kích cỡ mà người chơi bình dân, kể cả các em học sinh phổ thông có thể tự tạo ra được. Quân cờ của Cờ Tư lệnh không trừu tượng như Cờ Vua, Cờ Tướng mà cụ thể là hình máy bay, xe tăng, tên lửa, tàu chiến..., với hai màu xanh, đỏ rất hấp dẫn.

Khác với Cờ Tướng, Cờ Tư lệnh mang tính mở, các quân cờ đều có thể đi thẳng, đi ngang, đi tiến, đi lui, tung hoành ngang dọc. Quân “tóc dài” ngoài đi tiến, lui, ngang, dọc ăn quân đối phương như bộ binh còn được đi và ăn chéo quân đối phương. Pháo binh, không quân được đi và ăn quân đối phương vượt qua cả khối chắn, được đi chéo, ăn chéo như quân Tượng trong Cờ Tướng, nó khác quân Tượng là không bị kìm chân ở bên này chiến tuyến. Cao xạ, tên lửa tạo ra vành đai hỏa lực trên không mà máy bay đối phương không thể qua. Bởi vậy, máy bay muốn phát huy hỏa lực oanh kích vào các mục tiêu của đối phương thì phải tìm mọi cách tiêu diệt cao xạ và tên lửa trước. Nếu máy bay sơ ý bay qua vành đai hỏa lực phòng không của đối phương thì lập tức bị cháy, nếu máy bay chủ định tiêu diệt trận địa cao xạ để mở đường tiến công thì phải một đổi một.

Cờ Tư lệnh có vùng biển, lục địa, sông nước, lực lượng tham chiến đủ cả hải, lục, không quân và phòng không để người chơi quen dần với phương thức tạo sức mạnh tổng hợp trong chiến tranh hiện đại. Tàu chiến trên vùng biển, ngoài cao xạ, pháo binh còn được trang bị tên lửa hải đối hải. Pháo có thể đứng tại chỗ bắn và ăn quân đối phương trên đất liền.

 

Đại tá, nhà văn Nguyễn Quý Hải hướng dẫn cách chơi Cờ Tư lệnh cho các văn nghệ sỹ Cao Bằng.

Cờ có hai kiểu chơi, chơi công khai dàn quân theo mẫu, hoặc chơi nâng cao, quân có thể bố trí theo chiến thuật riêng và giấu thế bố trí cho đến lúc bắt đầu cuộc chơi. Cờ có tính mở, sau khi chơi thành thạo, người chơi có thể đúc kết kinh nghiệm và sáng tạo ra thế, ra nước cờ hay. Có thể tùy theo tính cách từng người chơi với chiến lược chiến tranh phá hoại đối phương bằng không quân, hải quân, chiến lược chiến tranh cục bộ, hoặc có thể chơi với chiến thuật phòng ngự, phản công, chơi tấn công, chơi chính diện, chơi vu hồi, chơi thọc sâu đánh vào nơi hiểm yếu.

Cờ Tư lệnh vừa mang màu sắc dân gian, vừa mang hơi thở của thời đại. Cờ không có cung cấm, bởi ngày nay không còn vua chúa, hoàng hậu, mà quân cờ cao nhất là Tư lệnh. Tư lệnh trong chiến tranh, trong từng trận đánh, trong từng chiến dịch là người chỉ huy trực tiếp, có vai trò quyết định thắng. thua. Tư lệnh ở trong sở chỉ huy chứ không ở trong cung cấm, không bị gò bó bởi vài nước đi quanh quẩn mà khi cần phải trực tiếp xông ra chiến trường để chỉ huy binh chủng hợp thành, tổ chức chiến đấu giành thắng lợi.

Cờ Tư lệnh là sản phẩm trí tuệ của Đại tá, nhà văn Nguyễn Qúy Hải đã được Cục Bản quyền tác giả Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cấp Giấy chứng nhận Đăng ký quyền tác giả, số 3283/2010/QTG, ngày 16/11/2010. Từ đây, ngoài hai loại hình Cờ Tướng và Cờ Vua, những người yêu thích bộ môn cờ đã có thêm loại hình cờ mới  - Cờ Tư lệnh. Cờ Tư lệnh từ khi được cấp Giấy chứng nhận quyền tác giả đã mau chóng thâm nhập vào cuộc sống, làm cuộc sống thêm phong phú, bên cạnh đó góp phần hình thành bản lĩnh chỉ huy cho thế hệ trẻ, đặc biệt là thế hệ trẻ trong quân đội.

Gặp Đại tá, nhà văn Nguyễn Qúy Hải, tác giả Cờ Tư lệnh tại Nhà sáng tác Đại Lải, thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc, ông vui vẻ cho biết: Từ khi tham gia quân đội tôi luôn nghĩ về các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc và luôn tâm niệm sẽ làm ra một loại cờ mới, cờ của đất nước Việt Nam. Tôi chỉ có một ước mong là Cờ Tư lệnh sớm được cộng đồng chấp nhận, cơ quan quản lý môn thể thao nghệ thuật giải trí trong và ngoài quân đội tạo điều kiện cả về tinh thần và vật chất cho Cờ Tư lệnh mau thâm nhập vào cuộc sống, với mục đích ươm mầm sức mạnh quân sự để góp phần vào việc bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

 
Mông Văn Bốn