Trân trọng gửi...

Submitted by haiduong on Fri, 02/21/2014 - 20:41

Trân trọng gửi cộng đồng, những người có tầm nhìn, có tiềm năng, có tấm lòng với môn thể thao trí tuệ mang màu cờ sắc áo Việt Nam: cờ tư lệnh.
---------------

Cờ, môn thể thao trí tuệ, có nguồn gốc từ Sa-tu-ran-ga Ấn độ, sang châu Âu thành cờ Vua, sang Trung Quốc thành cờ Tướng, sang Việt Nam sẽ là cờ Tư lệnh, tạị sao không? Trong chiến tranh chống Mỹ, là tiểu đoàn trưởng pháo 130mm tại mặt trận Quảng Trị năm 1972, hình ảnh những cái chết thương tâm của một số chiến sỹ chỉ vì thiếu kiến thức cơ bản về quân sự, cứ ám ảnh, thôi thúc tôi với kinh nghiệm chiến đấu trọn đời, phải làm được điều gì đó bằng hình thức giải trí góp phần phổ cập kiến thức cơ bản về quân sự cho cộng đồng ngay trong thời bình, để khi chiến tranh xảy ra thế hệ trẻ sẽ vững vàng trước mọi thử thách, sẽ là những chiến sỹ giỏi, những chỉ huy giỏi, tư lệnh giỏi bảo vệ nền độc lập thiêng liêng của Tổ quốc.
Cờ vua, cờ tướng ngàn năm qua vẫn mấy con cờ: tướng sỹ tượng xe pháo mã tốt, mang dấu ấn của lịch sử chiến tranh thời xa xưa, vẫn cố hữu cái bàn cờ mang dấu ấn của trái đất vuông, vô cảm với lịch sử chiến tranh anh hùng của quân dân ta, vô cảm với những biến động lớn lao của thời đại đang diễn ra từng ngày. Chính bởi thế khi cờ Tư lệnh ra đời, bản quy tắc đầu tiên xuất hiện trên mạng toàn cầu (2010), chỉ sau một tuần tôi đã nhận được điện thoại từ đại sứ quán Việt Nam tại CHLB Đức nói có một người Đức rất thích môn cờ này và xin được phỏng vấn tác giả để đăng tải trên truyền thông CHLB Đức.
Sau một tháng nghiên cứu rất kỹ luật chơi, tiến sỹ luật, Rene Gralla nhà nghiên cứu cờ quốc tế có thâm niên hai mươi năm đã gửi tới tôi 32 câu hỏi đầy ấn tượng và tôi đã trả lời đầy thuyết phục. Mở đầu bài phỏng vấn, Rene Gralla viết: “Tôi đã đọc kỹ trò chơi cờ Tư lệnh cực kỳ ấn tượng và có tầm nhìn này của ông qua trang web vietnamchess.com, tôi muốn không những chỉ giới thiệu trò chơi tuyệt vời này đến những người hâm mộ môn cờ nói riêng mà tới cả những người đam mê những trò chơi mang tính chiến lược nói chung”.
Cờ tư lệnh đã nhanh chóng có mặt tại Hamburg, Jürgen Woscidlo, giáo viên bộ môn cờ tại trường Grumbrechtstrasse Hamburg viết: “...Tôi tin tưởng rằng, loại cờ này sẽ chinh phục được nhiều trái tim bởi vì nó có sự cộng sinh và đồng thời cũng là cầu nối giữa thể thao tự do với huấn luyện quân sự và chiến tranh… Học sinh rất hứng thú về trò chơi của ông. Tôi nghĩ rằng trò chơi do ông phát triển có thể là môn cờ có tính cách mạng”.
Nguyễn Chí Quang Bác sỹ toàn khoa CHLB Đức. Schiffbeker Weg 80. 22119 HAMBURG viết: “…Tôi rất hãnh diện và hân hạnh được làm quen với ông với dự án Cờ tư lệnh . Thế giới Cờ sẽ có thêm một CỜ TƯ LỆNH mới do một người Việt Nam nghĩ ra, thật là hiếm quí, điều này tôi có đề nghị tiến sỹ DR Gralla tìm cách đưa vào sách GUINESS Book của những chuyện kỳ lạ trên thế giới…
Thư của Joseph White Hoa Kỳ, người quản lý thư viện Ector County Library Odessa/Midland, Texas: “…Cuối cùng thì tôi tìm thấy Cờ tư lệnh của anh một cách trùng hợp khi đang tìm hiểu trên Internet những loại cờ khác nhau. Tôi thích bộ cờ của anh bởi nhiều lý do. Anh sử dụng biển cùng với thủy quân và một dòng sông gần giống với cờ Tướng. Những điểm khác với phiên bản Hong Kong của cờ tướng (Shong Chee) thực sự làm tôi cực kì thích thú… Từ những tìm hiểu của tôi, nguồn gốc của cờ được tranh luận rất sôi nổi ở phương Tây. Rất nhiều học sinh chơi cờ ủng hộ rằng nguồn gốc của cờ là từ phương Đông (Trung Quốc hay có liên quan tới nền văn hóa đất nước của anh) hơn là từ Ấn Độ hay Ba Tư …
Báo Neues Deutschland viết: “…Vị đại tá đã về hưu này đặt ra cho mình một mục tiêu mới. Ông ấy mong muốn khôi phục lại niềm yêu thích môn cờ ở giới trẻ, những người mải mê với mạng xã hội trực tuyến và các trò chơi điện tử… Chắc hẳn đa số mọi người như ông sẽ để cho mọi thứ trôi đi nhàn hạ hơn. Nhưng không, vị đại tá về hưu này đã đưa dự án khác của mình thêm nhiệm vụ: ông muốn giũ lớp bụi của những trận đánh hào hùng và một lần nữa khiến cho bọn trẻ con thời hiện đại thêm tò mò, những đứa mà thường ngày chỉ thích kết nối trực tuyến trên mạng và tổ chức trận đánh của chúng trong không gian ảo qua những cái nhấp chuột…. Trò chơi trí tuệ này như một gia sư làm sống lại môn “Lịch sử chán ngắt” mà nhiều học sinh ghét cay ghét đắng trong bụng?!
Rick Knowlton” Nhà chuyên doanh các loại cờ ở Hoa Kỳ (Ancientchess) viết: “Trò chơi rất thú vị. Tôi sẽ rà lại tất cả thông tin tôi có hiện nay và làm một quyển luật chơi tốt nhất mà tôi có thể. Tôi sẽ dành thời gian cho Cờ Tư Lệnh và khiến nó được biết đến rộng rãi hơn ở phương Tây” và Rick đã đặt mua ngay một số bộ cờ với giá 50USD/bộ.
Nhà nghiên cứu Lê Đỗ Huy viết: “… Hàm lượng sáng tạo (về trí óc) là cực cao. Cần thời gian, tâm huyết, và trí tuệ để đánh giá cái game này (chữ trò chơi trong tiếng Anh là rất nghiêm chỉnh, không như trong tiếng Việt). Do dân tộc thiếu nền triết học (cháu không bàn những hệ tư tưởng chính trị) - điều này (thiếu triết) Hồ Chí Minh từng chỉ ra -, và do lỗi hệ thống giáo dục hiện tại, cháu nghĩ trò chơi như Cờ tư lệnh rất cần thiết, rất đúng lúc. Vì giới trẻ hiện nay thiếu thói quen tư duy theo một trình tự khoa học. Cờ tư lệnh giúp các em tính trước nhiều nước, và sử dụng các phương tiện hiện đại hơn là pháo - mã - tốt, vì thế, nó thật là có ích… Cháu muốn mình trẻ hơn, đỡ bận hơn, để góp phần promote trò chơi này trong thiếu niên. Cháu nghĩ chưa nhiều người đánh giá được vai trò của Cờ tư lệnh trong hình thành nếp tư duy khoa học, làm nền cho các cơn bão trí tuệ (brain storm) của con cháu của bộ đội Cụ Hồ, từng đánh thắng, trước hết, nhờ cái đầu… (Mỗi lần đọc câu "lạc nước hai xe...:", cháu lại nhớ cuộc (buộc Bông Lau) nhô lên để tìm kiếm một CampCaroll nữa. Cờ tư lệnh sẽ giúp bọn trẻ đỡ mắc ấu trĩ tả khuynh, vì chúng sẽ chính là những tư lệnh về sau. Ý ngoài lời).
Lời bình của nhà nghiên cứu dân gian Vân Hạc: “Môn cờ tư lệnh với tôi trước hết khẳng định đây là sản phẩm trí tuệ Việt có được qua bốn ngàn năm lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm bảo vệ đất nước. Điểm nổi bật của cờ tư lệnh là mang chất trí tuệ Việt, kết hợp nhuần nhuyễn chất dân gian với hơi thở đương đại. Nó phù hợp với mọi lứa tuổi, mang màu sắc Việt, có đội quân tóc dài, có sông có núi có biển, có trời, có tất cả địa hình địa vật mà Việt Nam có. Trong chiến tranh ta đã huy động sức mạnh toàn quân toàn dân như thế nào thì trong cờ này thể hiện được điều đó. Rất thú vị là khi chơi cờ này người ta bị say mê cuốn hút bởi người chơi có điều kiện sáng tạo thêm rất nhiều thế cờ hay.
Thưa các bạn, có người hỏi tôi sao lại đặt tên là cờ Tư lệnh, tôi trả lời: Tướng chỉ là hàm, người chỉ làm văn nghệ, cũng có thể là tướng. Còn tư lệnh là nói đến vai trò chỉ huy trực tiếp, vai trò người tổ chức tạo nên thắng lợi ngoài chiến trường, là nói đến lớp người mà đất nước đang rất cần để bảo vệ vững chắc nền độc lập thiêng liêng của Tổ quốc.
Vì sao dư luận cộng đồng thế giới và trong nước rất hoan nghênh môn cờ mới này, vì nó làm thay đổi cách nhìn nhận, ý thức hệ tư tưởng, thay đổi cách chơi cố hữu, nó gắn với thiên nhiên, gắn với lịch sử, gắn với hơi thở và nhịp sống, tiết tấu thời đại. Bàn cờ không đơn điệu chỉ có vùng đất như trước mà có cả vùng trời, vùng biển, có cả sông, ngầm. Quân cờ không còn mãi là tướng sỹ tượng xe… mà là các quân binh chủng hiện đại, trong đó có cả dân quân tóc dài. Cách đi và ăn quân đối phương rất thoáng, không chỉ rập khuôn, “ăn là phải thế chỗ” mà khi quân trong đất liền đấu với quân ngoài biển hoặc ngược lại thì khi ăn quân không phải thế chỗ, nghĩa là được phép đứng tại chỗ ăn quân. Đặc biệt các quân còn có thể cõng nhau đi (tàu chiến cõng máy bay, xe tăng máy bay cõng bộ binh, công binh cõng pháo binh qua sông… ) điều này chưa có tiền lệ trong tất cả các loại cờ đã có trước đây.
Qua thực tế giảng dậy trong một số trường tiểu học, trung học ở Hà Nội, trong trung tâm Huấn luyện Quân sự Miếu Môn, trong trường đại học Chính trị ở Bắc Ninh, trong lớp tập huấn cờ tư lệnh Liên đoàn cờ Việt Nam tổ chức tại Đà Lạt cho các đại biều ngành văn hóa và giáo dục… có thể khẳng định tính trí tuệ, tính giải trí và tính phổ cập của môn cờ. Cờ tư lệnh đã được Liên đoàn cờ tổ chức thành công Hội thi cờ tư lệnh cấp cơ sở đầu tiên tại THCS Ban Mai quân Hà Đông và đã dành bộ huy chương đầu tiên cho môn cờ này. Trường đại học Chính Trị cũng đang chuẩn bị để thời gian tới tổ chức hội thi cờ tư lệnh nhân kỷ niệm ngày thành lập Quân đội Nhân dân… Trong năm 2015 chào mừng kỷ niệm những ngày lễ lớn của đất nước sẽ có hội thi toàn quốc đầu tiên cờ tư lệnh, sẽ có hội thảo khoa học về môn cờ này. Cuốn sách Cờ tư lệnh Trí tuệ-Thời đại cũng sắp được phát hành tại Việt Nam và bản ngoại ngữ tại Hoa Kỳ. Luật chơi cờ tư lệnh đã được phổ biến bằng bốn thứ tiếng trên mạng toàn cầu, tiếng Anh, Đức, Nga, Trung. Và môn cờ cũng nằm trong dự kiến phát triển thành phong trào rộng lớn đủ điều kiện tham gia Seagames khi Việt Nam đăng cai.
Tuy nhiên tác giả đang gặp rất nhiều khó khăn về tài chính, về tuổi tác (đã 83 tuổi) mà bản thân không thể đủ sức khắc phục, nhất thiết phải nhờ cậy cộng đồng, nhờ cậy tầm nhìn và trách nhiệm của các tổ chức nhà nước, nhờ cậy tấm lòng của các đại gia, các mạnh thường quân chung tay góp sức xây dựng và phát triển cờ tư lệnh.
Hãy chung tay góp sức chắp cánh cho cờ tư lệnh, cờ trí tuệ Việt Nam, bay cao bay xa tới chân trời Olympia.

Hà Nội ngày 15 tháng 2 năm 2014
Tác giả cơ tư lệnh

Đại tá Nhà văn Nguyễn Qúi Hải