Báo QDND viết về hội thi cờ tư lệnh

Submitted by haiduong on Thu, 01/01/2015 - 16:25
Chơi cờ tư lệnh, thêm yêu lịch sử
 
QĐND - Thứ Tư, 31/12/2014, 7:48 (GMT+7)

QĐND - Tại Hà Nội vừa diễn ra hội thi cờ tư lệnh cấp thành phố. Hội thi đã thu hút được gần 30 kỳ thủ đại diện cho Trường Đại học Chính trị, Trường THCS Ban Mai, quận Hà Đông, Trường THCS Phúc Diễn, quận Bắc Từ Liêm thi đấu ở ba nhóm lứa tuổi, từ 11-12 tuổi, 13-17 tuổi và 18 tuổi trở lên. Với môn thể thao trí tuệ do người Việt Nam sáng tạo còn mới lạ, vừa mang tính lịch sử, vừa mang hơi thở thời đại thì hội thi là một tín hiệu đáng khích lệ chắp cánh cho môn cờ tư lệnh sớm được nhân rộng trong toàn quốc.

Yêu cờ tư lệnh từ câu chuyện lịch sử

Hầu hết các kỳ thủ tham dự hội thi đều mới tiếp xúc với môn cờ tư lệnh, nhưng có điểm chung là sự đam mê và tình yêu với những câu chuyện lịch sử. Thượng sĩ Lê Văn Thuật, học viên năm thứ ba, Trường Đại học Chính trị chia sẻ: “Năm 2013, Đại tá Nguyễn Quí Hải, người sáng tạo ra môn cờ Tư lệnh đến tập huấn tại trường. Ngay từ buổi đầu tiếp xúc, tôi đã thấy đam mê môn cờ mới và chỉ mất một buổi, tôi đã hiểu luật chơi và chơi thành thạo”. So với môn cờ tướng và cờ vua, cờ tư lệnh có hệ thống luật mở mang đậm bản sắc của Việt Nam. Bàn cờ có cả biển, trời, sông ngòi và đất liền gắn với địa lý, thiên nhiên của đất nước. Quân cờ tượng trưng cho các quân, binh chủng hiện đại, trong đó có cả nữ dân quân, biểu hiện nghệ thuật chiến tranh nhân dân, nét riêng biệt của Việt Nam.

Từ đặc điểm riêng, cờ tư lệnh đã tạo ra cách đi và ăn quân phong phú, bao gồm cách ăn quân phải thế chỗ như các loại cờ truyền thống, ngoài ra còn sáng tạo luật đứng tại chỗ ăn quân. Đặc biệt, còn có luật các quân cõng nhau di chuyển như: Bộ binh, dân quân đi nước ngắn nhưng khi hành quân thần tốc có thể lên máy bay, xe tăng để đi dài hơn. Điều này giống như nghệ thuật hành quân thần tốc của quân đội Tây Sơn đánh tan quân Thanh và nhiều trận đánh vang lừng trong lịch sử quân sự Việt Nam. Bên cạnh đó, máy bay có thể bay đậu trên tàu chiến, tàu chiến trở thành tàu sân bay, như vậy rất phù hợp với chiến tranh hiện đại. Do đó, khi chơi cờ, người chơi có liên hệ sinh động với nghệ thuật quân sự trong các trận chiến lịch sử.

Học viên Trường Đại học Chính trị chơi cờ tư lệnh tại hội thi.

Còn theo bạn Nguyễn Thiên Tuấn Anh, học sinh Lớp 7A1, Trường THCS Đại Mỗ, để làm quen với môn cờ tư lệnh, Tuấn Anh phải mất một tuần để thuộc mặt quân và cách đi. Chính hình tượng của các quân cờ giống các loại vũ khí quân sự quân đội Việt Nam sử dụng trong chiến tranh đã gợi mở sự tò mò của Tuấn Anh. Khi hiểu luật chơi, Tuấn Anh đã có sự đam mê và liên hệ độc đáo với môn lịch sử. Tuấn Anh cho biết: “Trước đây, em không thích môn Lịch sử, nhưng khi biết chơi cờ tư lệnh, em có thể biết các lực lượng tham gia chiến đấu, từ đó hiểu hơn về diễn biến của các trận đánh. Bởi vậy, em lại thấy yêu môn lịch sử hơn”.

Truyền lửa đam mê cho thế hệ tương lai

Ba năm trở lại đây, kể từ khi môn cờ tư lệnh ra đời, rất nhiều học sinh, sinh viên của các trường trung học, đại học trong thành phố Hà Nội đã quen thuộc hình ảnh Đại tá Nguyễn Quí Hải, mái tóc bạc trắng, trên chiếc xe gắn máy cũ đến tập huấn cách chơi cờ tư lệnh. Năm nay đã bước sang tuổi 83, nhưng với tư duy của một cựu chiến binh đã trải qua ba cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, ông Hải luôn trăn trở rằng, không đợi khi chiến tranh xảy ra mà ngay trong thời bình, bằng một trò chơi nho nhỏ giúp cho lớp trẻ vừa vui chơi, giải trí, vừa rèn luyện tư duy, bản lĩnh tác chiến, chỉ huy để phòng bị khi có giặc là phải đánh, mà đã đánh là thắng, giảm bớt hy sinh, xương máu. Đó là đóng góp thiết thực cho nhiệm vụ xây dựng lực lượng quốc phòng toàn dân.

Đồng tình với quan điểm của ông Hải, Thiếu tướng, Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, nguyên Phó chính ủy Trường Đại học Chính trị chia sẻ: “Mục đích của môn cờ tư lệnh là rèn luyện cho các học viên sĩ quan, cán bộ, chiến sĩ trong quân đội trí thông minh, sáng tạo, tư duy chiến thuật trong cách phối hợp các quân, binh chủng. Ngoài ra, đây cũng là một môn thể thao lành mạnh, các chiến sĩ có thể chơi trong giờ nghỉ, ngày nghỉ. Đối với tổ chức đoàn, tổ chức câu lạc bộ, cờ tư lệnh trong đơn vị là hoạt động hữu ích, hiệu quả lôi kéo, tập hợp đoàn viên thanh niên”.

Từ khi ra đời đến nay, môn cờ tư lệnh đã nhanh chóng giành được tình cảm của những người mê cờ trí tuệ trong và ngoàinước. Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã nhận xét: “Cờ tư lệnh là môn thể thao giải trí đầy trí tuệ mang dấu ấn lịch sử của cuộc kháng chiến anh hùng bảo vệ Tổ quốc của dân tộc ta”. Năm 2011, website Chessbase.de và nhật báo Neues Deutschland của Đức đã đăng tải cuộc phỏng vấn Đại tá Nguyễn Quí Hải với sự khâm phục và tình cảm đặc biệt. Tháng 7-2013, Liên đoàn Cờ Việt Nam đã tổ chức lớp tập huấn toàn quốc cho các huấn luyện viên môn cờ tư lệnh với mong muốn đào tạo lực lượng nòng cốt truyền bá rộng rãi môn thể thao này đến quần chúng trong cả nước. Tuy nhiên đến nay, hiệu quả của lớp tập huấn này chưa đạt được như mong muốn. Có mặt tại hội thi, bà Nguyễn Thị Anh Thư, Phó tổng thư ký Liên đoàn Cờ Việt Nam cho biết: “Cờ tư lệnh là một môn thể thao độc đáo, mang màu sắc và trí tuệ Việt Nam. Khi môn cờ tư lệnh ra đời, Liên đoàn Cờ Việt Nam đã tạo điều kiện tối đa để môn cờ được phổ biến rộng rãi trong toàn quốc. Tuy nhiên, phạm vi người chơi môn thể thao này còn hạn chế nên liên đoàn chưa thể đưa vào cơ chế quản lý. Liên đoàn Cờ Việt Nam rất mong thế hệ trẻ Việt Nam có điều kiện sớm tiếp cận với môn cờ mới này”.

Những trăn trở của bà Anh Thư khiến nhiều người phải suy nghĩ khi hiện nay, Đại tá Nguyễn Quí Hải, tuổi ngày một cao, sức khỏe giảm sút, những cống hiến theo cách cổ truyền của ông cho môn cờ tư lệnh tốn nhiều công sức nhưng chỉ mang tính chất cá nhân. Để môn cờ mang màu sắc, trí tuệ Việt Nam vươn ra tầm khu vực và thế giới, rất cần sự chung tay của nhiều cấp, ngành mà lực lượng nòng cốt và trước tiên là các học viện, nhà trường, đơn vị trong quân đội. Bên cạnh đó, cần ứng dụng thành tựu vi tính, đưa cờ tư lệnh trở thành môn thể thao trực tuyến để cờ tư lệnh ngày càng phát triển.