Chiên công oanh liệt của Pháo binh Việt Nam

Submitted by haiduong on Thu, 02/26/2015 - 17:26

CHIẾN CÔNG CHƯA TỪNG CÓ TRONG
LỊCH SỬ CHIẾN TRANH HIỆN ĐẠI CỦA PHÁO BINH VIỆT NAM
Trong chiến dịch mang mật danh Nguyễn Huệ năm 1972, giải phóng Quảng trị, Trung đoàn pháo binh 38 Bông lau đã lập nên một kỳ tích chưa từng có trong lịch sử chiến tranh hiện đại Việt Nam: bức hàng trung đoàn bộ binh 56 do trung tá Phạm Văn Đính, một trong những con át chủ bài của quân lực Việt Nam cộng hòa chỉ huy tại căn cứ 241 - (Caroll). Đây là một căn cứ hỏa lực mạnh nhất vùng I chiến thuật yểm trợ cho Khe Sanh và kiểm soát toàn thể mặt trận tây bắc Quảng Trị.

Chiến dịch tiến công Quảng Trị bắt đầu từ cuối tháng 3 năm 1972, pháo binh với vai trò hỏa lực chủ yếu có nhiệm vụ hiệp đồng chi viện cho khối binh chủng hợp thành tiêu diệt từng cứ điểm, cụm cứ điểm của địch tiến tới giải phóng hoàn toàn tỉnh Quảng Trị. Trung đoàn Pháo binh 38 Bông lau phối thuộc sư đoàn bộ binh 304 có nhiệm vụ tấn công tiêu diệt quân lực VNCH trên hướng Tây, hướng chủ lực của chiến dịch ở các cứ điểm Tân Lâm, Mai Lộc, Đầu Mầu, Ái Tử…
Căn cứ 241 do trung đoàn bộ binh 56 trấn giữ cùng nhiều đơn vị pháo trực thuộc, trận địa pháo 105mm, trận địa pháo155mm, 26 khẩu, đặc biệt có 4 khẩu 175mm tự hành tối tân trong số 08 khẩu Mỹ vừa mới trang bị cho quân lực Việt Nam Cộng Hòa để “Việt Nam hóa chiến tranh”. Pháo 175mm được mệnh danh là “Vua chiến trường”, loại pháo có cỡ nòng mặt đất lớn nhất thế giới lúc bấy giờ, dùng loại đạn tăng tầm có thể bắn xa trên 40km. Quân số của căn cứ có khoảng 1800 người dưới sự chỉ huy của trung tá Phạm Văn Đính, người hùng và niềm tự hào của quân lực VNCH.

Vào lúc 11:30 ngày 30-3-1972 toàn bộ Trung đoàn pháo Bông Lau với 30 khẩu pháo 130 mm, 122 mm… bất ngờ tập kích hỏa lực mãnh liệt vào cứ điểm Carroll của trung đoàn 56, vào căn cứ Mai Lộc của lữ đoàn lính thủy đánh bộ 147 đồng thời ngăn chặn sự chi viện từ các căn cứ quanh vùng. Ngày 2-4-1972, trời mây mù mãi đến gần trưa mới hửng nắng, hỏa lực của ta vẫn tiếp tục tập kích mãnh liệt dìm đầu pháo địch khiến cho cả dàn pháo hiện đại đủ loại của chúng không ngóc đầu lên được.

Thương vong ngày càng nhiều trước những loạt pháo tập trung chính xác, mãnh liệt của Trung đoàn pháo binh 38 Bông Lau. Căn cứ 241 lâm vào nguy cơ bị tiêu diệt và trước sự tan rã nhanh chóng của các căn cứ tiền tiêu do bị sư đoàn 304 tấn công tiêu diệt, không còn con đường nào thoát, bộ chỉ huy của căn cứ Carroll 241 đã chịu chấp nhận đầu hàng không điều kiện ngay từ khi mũi chủ lực của sư đoàn bộ binh 304 chưa tiếp cận ra đòn tấn công.

13 giờ, đài quan sát của trung đoàn 38, đài“Sao mai” do đồng chí Trần Thông - Trung đoàn phó chỉ huy nhận được tín hiệu của lính thông tin trung đoàn 56, nói chỉ huy của trung đoàn xin gặp chỉ huy cao nhất của Bông Lau. Chiến sĩ thông tin đài “Sao mai” nhận được thông tin nhưng không dám báo cáo, sợ rằng mình quan hệ với địch vô nguyên tắc. Nhưng trung đoàn 56 tiếp tục gọi nhiều lần xin gặp, đồng chí Thông điện về sở chỉ huy báo cáo Trung đoàn trưởng Trung đoàn 38 lúc đó là đồng chí Cao Sơn. Đồng chí Cao Sơn ngay lập tức họp hội ý, trao đổi với Chính ủy Trương Linh Huyên và sau khi báo cáo Sư trưởng 304 - Đại tá Hoàng Đan, anh cầm máy nói chuyện trực tiếp với Phạm Văn Đính. Phạm Văn Đính thưa: “Tôi, Phạm Văn Đính, Trung tá, Trung đoàn trưởng trung đoàn 56 cùng toàn thể sĩ quan thuộc bộ chỉ huy Trung đoàn đã họp tại phòng làm việc của tôi, trên dưới bàn bạc quyết định không đề kháng nữa để ra với Quân giải phóng”. Trung đoàn trưởng Pháo binh Bông Lau Cao Sơn khẳng định: “Hoan nghênh các anh hạ súng đầu hàng tập thể. Pháo sẽ ngừng bắn... Sẽ có người tới dẫn đường cho các anh”.

Khoảng 20 phút sau từ đài quan sát “Sao Mai”, đồng chí Trần Thông báo về đã thấy cờ trắng trên điểm cao 241 và các binh sĩ trung đoàn 56 cầm cờ trắng đi ra phía Đầu Mầu theo quy định. Trung đoàn trưởng Cao Sơn lệnh cho Trung úy Giáp, cán bộ quân lực của Trung đoàn, cùng Trung úy Đạo, chỉ huy Đại đội 8, khẩu đội trưởng Tô Văn Thành và các chiến sĩ khẩu đội 4 đi trên chiếc xe xích ATC 55 do đồng chí Lương Minh Nghĩa lái tới tiếp nhận sự đầu hàng của Trung đoàn 56. Gần tới nơi xe bị trúng mìn, mấy chiến sĩ bị thương. Đồng chí Đạo và mọi người tiếp tục đi bộ tới gặp Phạm Văn Đính. Trung úy Giáp một mặt cử người đưa Trung tá Phạm Văn Đính và Trung tá Vĩnh Phong về tuyến sau một mặt cùng với Trung sĩ Hẩu lái xe của Trung đoàn 56 thu chuyển khí tài của địch ra khỏi căn cứ đem đi cất giấu.

Sự kiện trung đoàn 56 ở căn cứ 241 đầu hàng và lữ đoàn lính thủy đánh bộ 241 ở Mai Lộc bị đánh thiệt hại nặng, đã chẳng những trực tiếp

giảm thiểu sự đổ máu cho quân sỹ cả hai bên, mà còn góp phần quan trọng làm tan rã tinh thần địch, tạo đà cho quân dân Trị Thiên giải phóng hoàn toàn tỉnh Quảng Trị. Đó cũng là một sự kiện hy hữu, chỉ có trong cuộc chiến tranh hiện đại ở Việt Nam. Trong khi không quân, hải quân của ta chưa có điều kiện chi viện hỏa lực trực tiếp cho bộ binh, thì pháo binh đã làm tròn sứ mạng của mình chi viện hỏa lực cho binh chủng hợp thành tiến công phá tan tuyến phòng ngự bất khả xâm phạm của địch.

Chiến công hy hữu này đã được tái hiện trong nhật ký chiến tranh: Mùa hè cháy” của đại tá, nhà văn Quí Hải, nguyên tiểu đoàn trường tiểu đoàn II, Trung đoàn pháo binh 38 Bông Lau. Trung tá Cao Sơn, Trung đoàn trưởng Trung đoàn pháo binh 38 Bông Lau xúc động ghi lại cảm xúc của mình trong cuốn: “Mùa hè cháy”: “Tôi – Cao Sơn. Từ năm 1969 đến năm 1972 là trung tá trung đoàn trưởng trung đoàn 38 Pháo binh, cùng sát cánh với đồng chí Quý Hải dự chiến dịch tiến công Quảng Trị năm 1972. Tôi rất vui và hoan nghênh khi được đọc cuốn nhật ký này. Nội dung nhật ký đã làm sống lại nhiều sự kiện chân thật, sinh động của trung đoàn 38, từ khi bước vào chuẩn bị chiến dịch đến khi kết thúc chiến dich lịch sử. Là một cán bộ chỉ huy quân sự gánh vác trách nhiệm nặng nề trong chỉ huy, phải xử lý những tình huống khẩn trương, có lúc rất ác liệt trong chiến đấu mà đồng chí Qúy Hải vẫn tranh thủ thời gian chăm chút ghi lại tỉ mỉ cả về thời gian, địa điểm, mối quan hệ trên dưới, đồng chí, đồng bào với tình cảm tin tưởng, lãng mạn của tuổi thanh xuân. Nhất là sự kiện đập tan sự kháng cự của trung đoàn 56 ngụy buộc chúng đầu hàng. Sau đó tham khảo sưu tầm nhiều tài liệu trong và ngoài nước để những ý nghĩa và công tích của trung đoàn 38 được xuất sắc, xác thực thêm. Tôi rất cảm kích và trân trọng sự cố gắng này..” – (Hà Nội tháng 10 năm 2007. Đại tá CAO SƠN – nguyên Trung đoàn trưởng trung đoàn Pháo binh 38)3

Còn trong cuộc gặp mặt “Hội bạn chiến đấu trung đoàn 38 pháo binh Bông Lau” ngày 25.11.2012, Trung tướng Phạm Hồng Cư, nguyên phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị quân đội Nhân dân Việt Nam nhấn mạnh:

- Trung đoàn 38 pháo binh Bông Lau năm 1972 đã lập nên một kỳ tích trong lịch sử chiến tranh hiện đại là đã bức hàng và bắt sống trung đoàn bộ binh 56 của địch. Chiến công to lớn ấy đã viết lên một trang sử vàng vẻ vang trong lịch sử chiến tranh bảo vệ Tổ quốc của dân tộc, đồng thời có một vai trò vô cùng quan trọng, nâng cao tinh thấn quyết thắng của quân và dân ta, góp phần làm tan rã tinh thần địch, tạo đà cho quân dân

giải phóng hoàn toàn tỉnh Quảng Trị trong thời gian nhanh chóng. Tôi mong rằng “Hội bạn chiến đấu trung đoàn 38 pháo binh Bông Lau” sẽ tổ chức gặp mặt thường xuyên, bởi đây không chỉ là dịp chúng ta ôn lại những kỷ niệm của một thời đẹp nhất, giúp chúng ta sống tốt hơn mà còn có tác dụng giáo dục sâu sắc với thế hệ trẻ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Nhà văn Lê Xuân Quang