QĐND - Cách đây hơn 3 năm, “làng cờ” Việt Nam xuất hiện một môn cờ mới-Cờ tư lệnh-do Đại tá, Nhà văn Nguyễn Quý Hải, nguyên đoàn trưởng đoàn Kịch nói Quân đội sáng tạo ra.
Tác giả Quý Hải chơi cờ tư lệnh với thanh niên CLB cờ tướng TP Điện Biên Phủ. |
Các cháu nhi đồng cũng tò mò, thích thú Cờ tư lệnh. |
Học viên Trường sĩ quan Lục quân 1 chơi cờ tư lệnh. |
Tiến sĩ luật học Gene Gralla (Đức) nghiên cứu cờ tư lệnh. Ảnh: Minh Đức |
Từ đó đến nay, Cờ tư lệnh không những được cộng đồng “kỳ thủ” Việt Nam đón nhận mà còn được dư luận thế giới hoan nghênh. Không chỉ nhiều báo chí trong nước đã nhiệt thành cổ vũ, giới thiệu về môn Cờ tư lệnh và “cha đẻ” của nó, mà khá nhiều hãng truyền thông nước ngoài cũng tỏ ra quan tâm và “thiện cảm” với Cờ tư lệnh của Đại tá Quý Hải. Nhưng có lẽ ít ai hiểu rõ “nguyên cớ” mà một vị cựu chiến binh từng tham gia gần trọn 2 cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, tác giả của nhiều tiểu thuyết đã được phát hành, của nhiều kịch bản sân khấu và ca khúc đã được dàn dựng… lại mày mò hàng năm trời, tốn không biết bao nhiêu thời gian, công sức và tiền bạc để trở thành tác giả của những… quân cờ mới lạ ấy.
Đại tá Nguyễn Quý Hải vốn là một chiến sĩ Vệ quốc quân, từng trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, sau này là tiểu đoàn trưởng pháo binh chiến đấu ở Quảng Trị, rồi trở thành tác giả của hàng chục ca khúc và nhiều cuốn tiểu thuyết, vở kịch… Là người mê cờ tướng, từ ngày nghỉ hưu ông ôm ấp ý tưởng sáng tạo một môn cờ mới, góp phần phổ cập kiến thức cơ bản về quân sự cho cộng đồng ngay trong thời bình. Cờ vua, cờ tướng ngàn năm qua vẫn mấy con cờ: Tướng, sĩ, tượng, xe, pháo, mã và tốt. Chúng mang dấu ấn của lịch sử chiến tranh thời xa xưa, nay đã có nhiều “quy tắc” lạc hậu với chiến tranh hiện đại, nhất là với lịch sử chiến tranh cách mạng của quân đội và nhân dân ta. Môn cờ ấy phải kết hợp nhuần nhuyễn chất dân gian với hơi thở đương đại. Nó phù hợp với mọi lứa tuổi, mang màu sắc Việt, có đội quân tóc dài, có sông, có núi, có biển, có trời, có tất cả địa hình địa vật mà Việt Nam có. Trong chiến tranh ta đã huy động sức mạnh toàn quân, toàn dân như thế nào thì trong cờ này thể hiện được điều đó. Quy tắc của môn cờ ấy phải khiến người ta bị say mê, cuốn hút bởi người chơi có điều kiện sáng tạo thêm rất nhiều thế cờ hay. Quân cờ đại diện đầy đủ các quân-binh chủng hiện đại LLVT cách mạng Việt Nam; trong đó có cả dân quân tóc dài. Cách đi và ăn quân đối phương rất thoáng, không chỉ rập khuôn, “ăn là phải thế chỗ” mà khi quân trong đất liền đấu với quân ngoài biển hoặc ngược lại…
Chính vì những cải tiến ấy nên khi Cờ tư lệnh của Nguyễn Quý Hải ra đời cùng bản quy tắc đầu tiên xuất hiện trên mạng vào năm 2010, chỉ sau một tuần, ông đã nhận được e.mail của Tiến sĩ luật Rene Gralla, nhà nghiên cứu cờ quốc tế người Đức: “Tôi đã đọc kỹ trò chơi Cờ tư lệnh cực kỳ ấn tượng và có tầm nhìn này của ông qua trang web vietnamchess.com, tôi muốn không những chỉ giới thiệu trò chơi tuyệt vời này đến những người hâm mộ môn cờ nói riêng mà tới cả những người đam mê những trò chơi mang tính chiến lược nói chung”. Còn Tiến sĩ Jürgen Woscidlo, giáo viên bộ môn cờ tại trường Grumbrechtstrasse của thành phố Hamburg thì viết: “Tôi tin tưởng rằng, loại cờ này sẽ chinh phục được nhiều trái tim bởi vì nó có sự cộng sinh và đồng thời cũng là cầu nối giữa thể thao tự do với huấn luyện quân sự và chiến tranh… Học sinh rất hứng thú về trò chơi của ông. Tôi nghĩ rằng, trò chơi do ông phát triển có thể là môn cờ có tính cách mạng”.
Thư của Joseph White từ Hoa Kỳ, người quản lý thư viện Ector County Library Odessa/Midland ở bang Texas, viết: “Tôi thích bộ cờ của anh bởi nhiều lý do. Anh sử dụng biển cùng với thủy quân và một dòng sông gần giống với cờ tướng. Những điểm khác với phiên bản Hong Kong của cờ tướng thực sự làm tôi cực kỳ thích thú”. Báo Neues Deutschland (Đức) cũng nhận xét: “Vị đại tá đã về hưu này đặt ra cho mình một mục tiêu mới. Ông ấy mong muốn khôi phục lại niềm yêu thích môn cờ ở giới trẻ, những người mải mê với mạng xã hội trực tuyến và các trò chơi điện tử. Ông muốn giũ lớp bụi của những trận đánh hào hùng và một lần nữa khiến cho bọn trẻ con thời hiện đại thêm tò mò, những đứa mà thường ngày chỉ thích kết nối trực tuyến trên mạng và tổ chức trận đánh của chúng trong không gian ảo qua những cái nhấp chuột. Trò chơi trí tuệ này như một gia sư làm sống lại môn “Lịch sử chán ngắt” mà nhiều học sinh ghét cay ghét đắng trong bụng?!
Qua thực tế giảng dạy trong một số trường phổ thông ở Hà Nội, trong Trung tâm huấn luyện quân sự Miếu Môn, trong Trường Đại học Chính trị ở Bắc Ninh, trong lớp tập huấn Cờ tư lệnh của Liên đoàn cờ Việt Nam tổ chức tại Đà Lạt… có thể khẳng định tính trí tuệ, tính giải trí và tính phổ cập của môn cờ này. Vừa qua, Cờ tư lệnh đã được Liên đoàn cờ Việt Nam tổ chức thành công Hội thi Cờ tư lệnh cấp cơ sở đầu tiên tại Trường THCS Ban Mai, quận Hà Đông, Hà Nội. Trường Đại học Chính trị cũng đang chuẩn bị để thời gian tới tổ chức hội thi Cờ tư lệnh nhân kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam… Trong năm 2015 sẽ có hội thi toàn quốc môn Cờ tư lệnh, sẽ có hội thảo khoa học về môn cờ này. Cuốn sách Cờ tư lệnh Trí tuệ-Thời đại cũng sắp được phát hành tại Việt Nam và bản ngoại ngữ tại Hoa Kỳ. Luật chơi Cờ tư lệnh đã được phổ biến bằng 4 thứ tiếng trên mạng internet và môn Cờ tư lệnh đang phấn đấu đủ điều kiện tham gia SEAGAMES trong thời gian sắp tới!
BÔNG LAU
- Log in to post comments