Đau đáu với môn cờ tư lệnh

Submitted by haiduong on Sat, 08/26/2017 - 08:20

Đau đáu với môn cờ tư lệnh

Đào Hiệp

Tôi gặp bác từ những ngày đầu tiên khởi xướng học tập môn Cờ Tư lệnh trong toàn quân. Nhưng có lẽ ấn tượng nhất là dịp tôi và các cán bộ của Trường SQCT dẫn đoàn đi thi đấu giải Cờ Tư lệnh mở rộng phía Bắc vào cuối năm 2016. Lúc ấy ông 85 tuổi nhưng lòng yêu cờ, tinh thần của ông thì quá tuyệt vời. Muốn viết về ông ngay từ những ngày ấy nhưng không được. Đến hôm nay, dự định ấy mới thành hiện thực. Xin chúc bác Quý Hải Nguyễn Qúyluôn mạnh khỏe, tiếp tục có thêm nhiều thành công hơn nữa với đứa con tinh thần của mình…

 https://l.facebook.com/l.php….

Thứ sáu, 18/08/2017 – 05:22 AM (GMT+7) Font Size | Print

Thi đấu Cờ tư lệnh.

Vài năm nay, bộ môn Cờ tư lệnh, một sản phẩm trí tuệ mang chính thương hiệu “Made in Việt Nam” đang nổi lên như một hiện tượng trong làng cờ, được mọi thành phần, lứa tuổi không chỉ ở Việt Nam mà còn trên thế giới chú ý tìm hiểu.
Từ thực tiễn khốc liệt của chiến tranh
Đại tá Nguyễn Quý Hải nguyên là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 2 (hay còn gọi là Tiểu đoàn pháo binh Bông Lau anh hùng), Trung đoàn 38, pháo 130 mm, từng tham gia chiến trường Quảng trị năm 1972.
Những tháng ngày sống dưới mưa bom bão đạn của kẻ thù, luôn ở trong trạng thái mà ông mô tả là “chênh vênh giữa ranh giới của sự sinh tồn, nhưng vẫn tràn đầy niềm tin quyết thắng”. Điều đặc biệt là những trận đánh ác liệt ngày ấy đã trở thành những dẫn chứng, kinh nghiệm về con người, chiến thuật để phôi thai trong suy nghĩ của ông về một sản phẩm tinh thần mang đúng giá trị đặc thù của dân tộc.
Năm 1992, ông về hưu sau gần nửa thế kỷ cống hiến. Cái chất của người lính Cụ Hồ vẫn thôi thúc sự tìm tòi của ông với những ý tưởng mới. Ông vẫn đau đáu làm sao cho thế hệ trẻ hiểu được những gì các thế hệ đi trước đã trải qua trong quá khứ, khơi dậy sự tìm tòi của thanh niên về những chiến công. Nhưng lại phải làm sao cho các em, các cháu thật sự đam mê và hứng thú với lịch sử của dân tộc, của quân đội mà không phải là những bài học có phần khô khan. Trái tim ấm nóng của người lính cùng kinh nghiệm chiến trường và mong muốn nâng cao hơn nữa năng lực chỉ huy của lớp sĩ quan trẻ ngày nay đã giúp Đại tá Nguyễn Quý Hải sáng tạo ra môn Cờ tư lệnh.
Ông tâm sự, cái tên “Tư lệnh” mà ông dùng cho đứa con tinh thần của mình nhằm diễn tả được tính chất của trò chơi. Người chơi trên vai trò của một chỉ huy tham gia vào trận chiến. Điều đặc biệt nằm ở chỗ, không giống như cờ vua, cờ tướng hay cờ súy (một môn cờ theo kiểu quân sự mang tính dân gian), những đặc điểm địa lý tự nhiên của dân tộc được phản ánh một cách đặc thù trong bàn cờ, kết hợp với đó là các quân cờ thể hiện các lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam từ truyền thống đến hiện đại, như các quân binh chủng như tăng, pháo binh, không quân, tên lửa…

Pha trộn truyền thống và hiện đại

Với cách thức di chuyển khá mở và mang tính thực tiễn cao so với thể thức của các loại cờ truyền thống, Cờ tư lệnh thật sự đã đem lại những trải nghiệm hấp dẫn. Từ những sĩ quan chỉ huy, chiến sĩ trong quân đội, đến các lứa tuổi thanh, thiếu niên và đặc biệt bạn bè đến từ nhiều nước, đã bị chinh phục bởi sức hấp dẫn của trò chơi trí tuệ này.
Kỳ thủ 70 tuổi Trần Đăng Dương (Hà Nội) cho biết: “Từ lần đầu tiên tiếp cận với loại cờ này, được đồng chí Hải hướng dẫn thể thức chơi, cách để di chuyển các quân cờ, để chiếm lĩnh thế trận, tôi thật sự có cảm giác như đang nắm quân trên chiến trường. Chính cái độc, lạ và đậm chất chiến thuật và tính triển vọng hữu ích của trò chơi này đã thôi thúc trong tôi một suy nghĩ, làm sao đưa Cờ tư lệnh trở thành một “đặc sản thuần Việt”, quảng bá rộng rãi trong làng cờ Việt Nam và quốc tế”
Dù Cờ tư lệnh đã đăng ký bản quyền và được Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam) chính thức công nhận ngày 16-11-2010, nhưng để thâm nhập rộng rãi vào quần chúng, đưa bộ môn này thật sự thành món ăn tinh thần phổ biến cho mọi người thì còn cả một chặng đường gian nan. Gần 10 năm nay, với số tiền tích lũy của bản thân và sự ủng hộ đóng góp của anh em bạn bè, đồng chí đồng đội, Đại tá Hải đã từng bước nhân rộng mô hình Cờ tư lệnh từ trong đến ngoài nước. Độ tuổi 86 dường như không kìm được bước chân của người cựu chiến binh từng bước gây dựng cái nghiệp cờ, từ việc tự quay clip hướng dẫn cách chơi, đến những chuyến đi qua các trường học, đơn vị trong toàn quân gây dựng phong trào cờ.

Mang tinh thần “Tư lệnh” đi khắp mọi nẻo đường

Điều làm nhiều người không khỏi bất ngờ khi tại hội thi Cờ tư lệnh khu vực miền bắc mở rộng trong cuối năm 2016 tại Hà Nội, sự xuất hiện của những kỳ thủ đến từ châu Âu với trình độ rất đáng nể đã thu hút được sự quan tâm đặc biệt. Anh Rafael Veselic, kỳ thủ đến từ Croatia tâm sự: “Nét độc đáo trong cách di chuyển các quân cờ, tính thực tiễn sát với điều kiện của một trận chiến đấu trên chiến trường đã thu hút tôi ngay từ khi tiếp xúc với môn cờ này”. Kỳ thủ đến từ châu Âu này cũng có một niềm tin rằng, nếu được phát triển có kế hoạch hợp lý, Cờ tư lệnh sẽ được biết đến rộng rãi hơn nữa, chiếm một vị trí quan trọng trong làng cờ Việt Nam cũng như quốc tế.

Với ý nghĩa của môn Cờ tư lệnh, năm 2016, Cục Quân huấn, Bộ Tổng Tham mưu (Bộ Quốc Phòng) đã phối hợp Tổng cục Thể dục Thể thao mở lớp đào tạo huấn luyện viên Cờ tư lệnh cho các sĩ quan chuyên ngành thể thao các quân binh chủng trong toàn quân tại Trung tâm quân sự Miếu Môn (Bộ Quốc Phòng), Liên đoàn cờ Việt Nam đã mở lớp tập huấn tại Đà Lạt năm 2016. Và nhiều các học viện, nhà trường, các đơn vị trong quân đội được Đại tá Nguyễn Quý Hải trực tiếp giảng dạy, phổ biến cách chơi. Nhiều trường cấp 1, cấp 2 ở các quận, huyện của Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã tổ chức giảng dạy và thi đấu. Đến nay, luật chơi Cờ tư lệnh đã được dịch ra bốn thứ tiếng, sản phẩm Cờ tư lệnh đã có bán tại nhiều quốc gia như Đức, Pháp, Anh, Thụy Sĩ, Croatia, Slovenia…, thu hút được đông đảo kỳ thủ trong và ngoài nước tham gia. Hiện nay, Đại tá Nguyễn Quý Hải và các cộng sự đang gấp rút hoàn tất mọi công tác chuẩn bị để tổ chức thi đấu giải Cờ tư lệnh khu vực mở rộng vào cuối năm 2017 tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam.

Nói về ý nghĩa của môn cờ này, Thiếu tướng Nguyễn Xuân Năng, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam cho rằng, đây là môn thể thao trí tuệ và rất cần được nhân rộng đến các lực lượng trong quân đội và thành phần trong xã hội. Một môn thể thao trí tuệ, sáng tạo và hấp dẫn với mọi độ tuổi.