Gặp gỡ tác giả “Tỷ phú ổ rác” - Chất liệu thực của cuộc sống
(Hanoinews.vn) - Từng được nhận giải tác phẩm xuất sắc của ban Tuyên giáo TƯ với kịch bản sân khấu “Hồ... Hồ chí Minh” (2009), gần đây nhất nhà văn - nhà biên kịch Nguyễn Qúy Hải đã có những thành công mới với kịch bản sân khấu “Tỷ phú ổ rác”, chuyển thể thành phim Truyền hình dài 30 tập mang tên “Vàng” do Thiên Lộc làm đạo diễn. Bộ phim này sẽ được trình chiếu trên HTV tới đây…
Nhân sự kiện này, PV đã có cuộc trao đổi với nhà văn – nhà biên kịch Nguyễn Quý Hải xung quanh tác phẩm chuyển thể này.\
PV: “Tỷ phú ổ rác” là một tác phẩm đã gây nên tiếng vang lớn trong dư luận, là tác phẩm được nhiều người quan tâm bởi đề tài có chút gì đó kích thích sự tò mò khám phá. Nhà văn có thể chia sẻ đôi điều về kịch bản bộ phim “Vàng” của ông với tư cách là tác giả của sản phẩm ấy?
Nhà biên kịch – nhà văn Nguyễn Quý Hải (NQH): Năm 2009, Kịch bản sân khấu “Đạo rác” của tôi được Nhà hát Thế giới trẻ Sài Gòn phẳng dựng thành kịch “Tỷ phú ổ rác”. Sau khi vở diễn này ra mắt thành công, gây tiếng vang lớn cho dư luận, tôi đã viết lại thành tiểu thuyết nhiều tập với cái tên “Tỷ phú ổ rác”. Sau đó Hãng phim Giải Phóng mua và Hãng phim Truyện ViệtNam đặt tôi viết lại thành kịch bản phim “Vàng”.
Nội dung câu chuyện đề cập tới con đường lập thân của hàng chục nhân vật tốt xấu, nhiều thế hệ, giai tầng, có tâm hồn, cách lập nghiệp khác nhau với muôn mảng cuộc đời sáng tối. Những nhân vật trong phim hầu hết được giữ nguyên như trong tiểu thuyết, tiêu biểu là ông Triệu (do diễn viên Võ Hiệp thủ vai), Tổng Giám đốc công ty Triệu Phát, một con người khó hiểu và đầy tham vọng trên thương trường. Nhân vật thứ hai là anh Đạo (diễn viên Quốc Trường thủ vai), một chàng thanh niên trẻ, nghèo, sống ở bãi rác nhưng sau này lại trở thành Tỷ phú ổ rác. Anh là một thanh niên trẻ đại diện cho thế hệ mới có những ước vọng cao đẹp đi lên bằng tài năng của mình. Nhân vật thứ 3 là cô Ngọc (do người mẫu Vũ Hoàng Điệp thủ vai), con gái ông Triệu, có tâm hồn trong sáng, đầy nhiệt thành. Ngoài ra là hàng chục nhân vật có những mối quan hệ phức tạp ràng buộc nhau bởi các luồng tính cách, liên tục đẩy câu chuyện tới những xung đột và mâu thuẫn hấp dẫn độc giả và khá giả xung quanh những vấn đề tình, tiền, tù, tội.
PV: Như ông đã nói, ngày đầu đề phim đã xoay quanh chủ yếu câu chuyện về “Vàng”. Vậy ý nghĩa của “Vàng” ở đây là gì, thưa ông?
NQH: Trong câu chuyện, “Vàng” là đề tài chính, mọi nhân vật trong câu chuyện đều xoay xung quanh thứ kim loại giá trị này. “Vàng” có khắp tất cả mọi nơi, ở mỏ vàng, hiệu vàng, vàng ảo, cống rảnh bẩn thỉu với những hạt vàng, bãi rác cũng có đồng xu vàng giá trị hàng triệu đô la và những tâm hồn “vàng”… Vàng có thể khiến con người ta chết đi, sống lại, biến con người thành quỷ dữ và ngược lại… “Vàng” ở đây có thể hiểu là “Định mệnh” con người, giàu nghèo cũng chạy theo “Vàng” nhưng chạy theo bằng cách nào để vừa có thể giàu mà không bị tha hóa nhân tâm và phạm pháp.
PV: Tôi muốn hiểu rõ hơn đằng sau câu chuyện “Vàng” ấy là điều gì, thưa ông…?
NQH: Thông qua câu chuyện cuộc đời cậu Đạo và bãi rác của chàng tỷ phú, điều ấy đã nói lên một sự thật: Con người bây giờ lãng phí và thiếu trách nhiệm quá, Bãi rác là nơi chứa đồ vứt đi lẫn lộn mọi thứ trong đó có những thứ quí giá mà chúng ta đang cần như: tiền bạc, lòng tốt, nhân phẩm, cả cuộc sống…Tất cả đều phiêu dạt về bãi rác này mà chúng ta không biết tận dụng nó. Vì vậy, tôi muốn nhấn mạnh tới sự vươn lên, thoát ra của con người trong những bãi rác xã hội và bãi rác con người tự mắc ra cho bản thân mình là ma lực của vàng, tiền… “Tỷ phú ổ rác” hấp dẫn bởi sự nóng hổi những vấn đề của xã hội, có tác động tới nhận thức phát triển của giới trẻ hiện nay.
Chân dung nhà văn - Nhà biên kịch Nguyễn Quý Hải
PV: Tiểu thuyết “Tỷ phú ổ rác” có phải đi theo xu hướng phát triển của tiểu thuyết hiện đại?
NQH: Xu thế bây giờ là tiểu thuyêt ngắn lại và đi sâu vào nội dung, sự kiện và “Tỷ phú ổ rác” cũng không nằm ngoài kiểu loại này. Bên cạnh đó, đây là tiểu thuyết viết cho phim nên trong cách hành văn, tôi cố gắng lọc bớt các chi tiết miêu tả rườm rà, rồi đẩy cao việc miêu tả tâm lí, sự kiện xung đột lên tạo sự gay cấn cho người đọc. Đây chính là xu thế thường thấy của các nhà tiểu thuyết hiện nay.
PV: Điều gì khiến ông sáng tác nên “Đạo rác” và sau này là “Tỷ phú ổ rác”?
NQH: 80 tuổi, cuộc đời tôi đã trải qua rất nhiều nghề. Từng là Tiểu đoàn trưởng pháo 130 ly, đoàn Bông Lau, chiến đấu tại Quảng Trị. Hòa bình lập lại tôi về viết văn, rồi làm Đoàn trưởng đoàn Kịch Nói Quân đội (1986-1992). Về hưu, tôi lại lăn lộn thương trường, mở xưởng sản xuất đồng chì, chuyên sản xuất nội thất… làm như một anh “thợ mộc” chính hiệu chứ không ai nghĩ tôi là một Đại tá Quân đội. Những nghề ấy, tôi được va chạm với đủ mọi loại người, thấy đủ xấu xa, tốt đẹp của những giai tầng khác nhau như một thằng bé hàng xóm, con nhà máu mặt hư hỏng như mấy đứa trẻ đánh giầy nghèo khổ nhưng hiếu thảo chăm học, vài thằng kẻ cắp lấy tiền hút chích, vài mánh làm ăn của dân buôn bán... Đó là những chất liệu đầu tiên và quan trọng nhất để tôi có thể viết nên tiểu thuyết này.
PV: Câu nói nào trong tiểu thuyết này mà ông cảm thấy tâm đắc nhất?
NQH: Ồ! Nhiều chứ, bởi đây là cuốn sách tâm huyết của tôi mà. Tôi có thể dẫn ra một câu nói của Đạo trong đoạn hội thoại với Ngọc, khi anh ta vừa cứu cô gái trẻ này khỏi bàn tay tội ác của Tuấn, khi Ngọc thấy những cuốn sách như “Chiến tranh và hoà bình”, “Những người khốn khổ”… cô có hỏi Đạo, Đạo trả lời:
-Anh muanhững cuốn sách quí này?
- Tôi nhặt những tác phẩm đó ở bãi rác.
- Để làm gì?
- Gối đầu giường...
- Anh thích văn chương?
- Tôi tìm thấy trong đó có tình yêu”…
Xin cám ơn ông!
Sao Chi
- Log in to post comments