*Trận đầu đánh thắng Hồi ký: TRÊN TỪNG CÂY SỐ của người sáng lập môn thể thao trí tuệ cờ tư lệnh ( tiếp theo, phần 5) Cái đích mà cờ tư lệnh nhắm tới không phải là để kiếm lời mà là góp phần xây dựng và hoàn thiện môn thể thao trí tuệ của nước nhà. Môn cờ xuất xứ từ Ấn Độ, sang châu Âu thành cờ vua, sang Trung quốc thành cờ tướng, bây giờ sang Việt Nam sẽ phải là cờ tư lệnh, tại sao không? Cái ý tưởng đó cứ từng giờ từng phút âm ỉ cháy trong tôi. Không được phép dừng lại ở đống quân cờ trong kho, phải biến nó thành vũ khí văn hóa góp phần nâng cao trí tuệ cho lớp trẻ. Hướng tấn công của cờ tư lệnh là nhằm vào hệ thống giáo dục. Vốn là cựu chiến binh, nguyên là tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 2 đoàn pháo binh Bông lau anh hùng, đã từng góp phần dùng hỏa lực bức hàng cả một cắn cứ lớn ở Quảng Trị năm 1972… Đó là thời chiến tranh, còn bây giờ cái mặt trận không tiếng súng này liệu tôi có thắng nổi trận đầu không. Thời Quảng Trị là chỉ huy trẻ măng tóc còn xanh, giờ là chiến sỹ trên mặt trận văn hóa mà để tóc bạc phơ chỉ huy dàn lính nhí… mất tự tin, nửa đêm tôi vùng dậy nhuộm tóc, soi gương thấy mình dường như trẻ ra… thấp thỏm chờ đến sáng phóng xe đến trường tiểu học Mai Dịch. Đến trường học, dừng lại ở cổng trấn tĩnh mấy giây rồi đẩy cổng phụ vào trường. Chú gác cổng nhìn tôi: - Ông đến có việc gì - Chú muốn gặp hiệu trưởng - Ông có việc gì cần gặp để cháu vào báo cáo - Chú muốn dậy học Chú bảo vệ nhìn tôi như không hiểu - Ông… ông dậy gì? - Dậy cờ… - Dậy cờ vua… thì ở đây… - Không… chú dậy cờ tư lệnh - Thấy chú bảo vệ có chút nghi ngờ, tôi phải giới thiệu tôi là đại tá đoàn trưởng đoàn Kịch nói quân đội ở cách trường chỉ khoảng một km, là người sáng tạo ra môn cờ này Nghe vậy chú bảo vệ không những tin mà còn cho tôi biết hiệu trưởng là cô Hiền quê ở thị xã Hà Đông. Nghe vậy tôi mừng quá. Vậy là gặp đồng hương rồi. Chú bảo vệ dẫn tôi vào gặp hiệu trưởng và chỉ chưa đầy 20 phút “trận đầu” đã thắng. Trong tay tôi lúc này đã có bộ cờ lớn có nam châm đặt làm gần hai triệu. Cô hiệu trưởng giới thiệu tôi với học sinh. Ôi những gương mặt đẹp như thiên thần nhìn thầy giáo già ngưỡng mộ, tôi xúc động. Bốn năm mươi năm trước tôi là giáo viên tại trường sỹ quan pháo binh, tôi đã dậy toán logarit cho các cán bộ đi sừa sai cải cách ruộng đất về, học toán để trở thành sỹ quan pháo binh, có ngờ đâu ở tuổi bẩy mươi hôm nay tôi lại được đứng trên bục giảng của một trường tiểu học, lại được học trò tuổi nhí gọi bằng Thầy. Thời gian này nhiều kênh truyền thông báo chí đã nhậy bén khai thác thông tin về cờ lệnh, ngoài các kênh VTC, SCTV, HN… báo QDND, báo Văn hóa, Thể thao văn hóa cũng có các bài phóng sự. Ngày 2 tháng 1 năm 2011 báo Quân đội Nhân dân số 783 đăng bài Chơi cờ kiểu lính Ngày 19 tháng 1 năm 2011 VTC đăng phóng sự truyền hình giới thiệu cờ tư lệnh. Ngày 21 tháng 1 năm 2011 Báo Văn hóa số 1952 "Nhà văn Quý Hải trình làng cờ tư lệnh"Ngày 18 tháng 3 năm 2011 Báo Thể thao Văn hóa đăng "Một loại cờ mới" Ngày 7 tháng4 năm 2011 Phỏng vấn của truyền thông Cộng hòa Liên bang Đức với đại tá Nhà văn Quí Hải, tác giả môn cờ Tư lệnh, do tiến sỹ Rene Gralla thực hiện. Ngày 29 tháng 4 năm 2011 phóng sự của kênh STTV gặp gỡ tác giả cờ tư lệnh… Những ngày tháng đó gia đình tôi vui như ngày hội. Phải dẹp hết tiếng cưa sẻ, tiếng búa, mọi người phải im lặng để truyền hình ghi âm… để dõi theo các phóng sự trên truyền hình. Sau mấy buổi dậy cờ tư lệnh, không thể ngờ môn cờ của tôi lại cuốn hút tuổi teen đến thế. Đi dậy về bà xã lo lắng hỏi, không dám hỏi cụ thể, chỉ hỏi chung chung: - Thế nào? - Còn thế nào nữa, tuyệt vời, bà đã bao giờ tin tôi đâu. Hôm sau phóng xe đi tận công ty nhựa Đại Kim mua mut để bọc sa lon, thời gian này nhà tôi sản xuất salon, tủ tường. Đèo một khối mú kềnh kàng phía sau, tôi có ý tránh đi qua cổng trường nhưng không ngờ lại gặp các kỳ thủ nhí của tôi. Một em thốt lên: - Ơ… Thầy Hải - Đúng rồi… Thầy Hải Tôi vờ như không nghe thấy, nhưng các em gọi với. Tiếng gọi của mấy nhí cứ như đuổi theo tôi, tôi đỏ bừng mặt. Phát huy chiến thắng trận đầu, tôi đầy tự tin đến gặp phòng giáo dục huyện Từ Liêm. Huyện nằm ngay ở Cầu Diễn, cũng chỉ cách nhà tôi chừng một kilomet. Mấy ngày trước trưởng phòng có được xem giới thiệu cờ tư lệnh trên truyền hình lại biết tôi là đại tá nhà văn đoàn trưởng đoàn Kịch nói Quân đội, người sáng tạo môn cờ này, trưởng phòng quyết ngay và gọi điện cho trường tiểu học Hồ Tùng Mậu. Qua một tuần dậy luật chơi cho học sinh lớp 4, lớp5. Thấy hiệu quả, thấy sức cuốn hút của môn cờ, lại được truyền hình Hà Nội về tận trường làm phóng sự, chị hiệu phó vội giới thiệu với chồng là hiệu trưởng bên trường THCS Phúc Diễn. Cứ thế phong trào học tập môn cờ tư lệnh lan tỏa tới hết trường này đến trường khác.
- Log in to post comments