KHÁC NHAU CƠ BẢN GIỮA CỜ TƯ LỆNH VỚI CỜ VUA CỜ TƯỚNG

Submitted by haiduong on Thu, 07/05/2012 - 14:54

1- Về bàn cờ: Cờ vua đi theo ô, cờ tư lệnh đi theo trục như cờ tướng. Cách đánh số của cờ vua theo hàng và cột. Cách đánh số của cờ tư lệnh theo trục tọa độ, trục tung và trục hoành gắn với chương trình giáo dục phổ thông. Gốc 0 của trục luôn bên trái quân cờ đỏ. Bàn cờ của cờ vua có khu trung tâm, cờ tư lệnh có vùng biển, vùng trời, có sông, có ngầm.

2- Quân cờ: Quân cờ tướng hình tròn khắc chữ hán, quân cờ vua hình khối màu đen trắng. Quân cờ tư lệnh vừa hình tròn vừa hình khối một bên màu đỏ, một bên màu xanh. Quân cờ tướng và quân cờ vua là tướng sỹ tượng xe pháo mã tốt, rồi vua, hậu… Quân cờ tư lệnh là biểu tượng của tư lệnh, của các quân binh chủng bộ binh, pháo binh, xe tăng, công binh, cao xạ, tên lửa máy bay, tàu chiến… đặc biệt có cả dân quân tóc dài.

3- Về cách đi và ăn của cờ tư lệnh rất sinh động. Quân của cờ tư lệnh thả sức tung hoành dọc ngang, tiến lui theo chiến thuật. Tư lệnh không cấm cung mà khi cấp bách xuất trận cùng quân sỹ. Có quân ăn thẳng, có quân được đi và ăn cả chéo. Có quân ăn vượt khối chắn như pháo binh, không quân. Ăn xong có thể thế chỗ hoặc trở lại vị trí cũ như máy bay bỏ bom . Đứng tại chỗ ăn quân đối phương, không phải thế chỗ, như tàu chiến trên biển ăn quân trên đất liền, hoặc quân trên đất liền ăn quân trên biển.

4- Về chiến thuật chiến lược: Có chiến thuật chiến đấu bằng bộ binh mặt đất, bằng máy bay trên trời, bằng tàu chiến trên biển. Có hệ thống cao xạ tên lửa phòng không tạo bức tường lửa, ngăn cản máy bay. Muốn tấn công đối phương buộc phải tìm mọi cách chọc thủng bức tường lửa.

5- Có hình thức quân anh hùng: Bất cứ quân nào chiếu được tư lệnh đối phương thì quân đó được phong anh hùng, được nới tầm đi và ăn quân đối phương thêm một nấc. Máy bay khi đã chiếu tư lệnh đối phương trở thành máy bay tàng hình, có thể bay qua và diệt cao xạ tên lửa mà không bị cháy. Bộ binh, xe tăng, công binh, sau khi trở thành anh hùng, được phép đi và ăn chéo 45 độ.

6- Về hình thức chơi: Chơi từng ván, chơi từng trận (hải chiến hoặc không chiến, hoặc đánh tổng lực… hoặc chơi thọc sâu chiếu hết được tư lệnh đối phương) Cũng có thể chơi tính điểm, chơi theo giờ, thi đấu theo ván, thi đấu theo dạng cờ người…

7- Cuối cùng sự khác nhau về ý nghĩa triết học: Cờ tướng, cờ vua phù vua chúa, bảo vệ ngai vàng, mang dấu ấn lịch sử của mấy ngàn năm trước, ngày nay chỉ còn đơn thuần là trò chơi giải trí trí tuệ. Cờ tư lệnh cũng là trò chơi giải trí trí tuệ nhưng mang dấu ấn lịch sử chiến đấu, mang hơi thở thời đại, góp phần giáo dục ý thức quốc phòng toàn dân. Qua trò chơi cờ tư lệnh, tác giả cũng muốn gửi gắm một thông điệp hòa bình: hãy phấn đấu để đến một ngày nào đó tất cả các vũ khí hủy diệt trên thế giới thực sự chỉ còn là trò chơi của con trẻ.