Phỏng vấn củatruyền thông Cộng hòa Liên bang Đức với đại tá Nhà văn Quí Hải, tác giả môn cờ Tư lệnh

Submitted by haiduong on Sun, 08/05/2012 - 19:58

Phỏng vấn củatruyền thông Cộng hòa Liên bang Đức với đại tá Nhà văn Quí Hải, tác giả môn cờ Tư lệnh, do tiến sỹ Rene  Gralla thực hiện.

A- Phần hỏi và trả lời bằng tiếng Việt

Thưa ông Hải,

Với một sự thích thú rất to lớn đối với  phiên bản Cờ Tướng mới mà ông đã phát triển có tên là CỜ TƯ LỆNH, tôi chỉ có thể nói rằng trò chơi này đã rất thuyết phục tôi.

Tôi viết thư này cho ông hôm nay vì tôi may mắn có địa chỉ Email của ông từ một người bạn là ông Phạm Duy Phê (địa chỉ hòm thư là duyphe@yahoo.com) . Ông Phạm Duy Phê là tùy viên quân sự của đại sứ quán Việt Nam tại cộng hòa liên bang Đức.

Thưa ông Hải, xin lỗi ông vì tôi viết thư cho ông bằng tiếng Đức bởi vì rất tiếc là tôi không biết tiếng Viêt. Tuy nhiên ông Phạm Duy Phê có nói với tôi rằng tôi có thể viết cho ông bằng tiếng Đức vì ông có một người mà ông tin tưởng sẵn sàng dịch bức thư cùng với những câu hỏi của tôi dành cho ông. Tất nhiên ông có thể trả lời tôi bằng tiếng Việt bởi vì người quen của tôi sẽ dịch lại thư trả lời của ông cho tôi.

Trước hết, xin phép cho tôi được giới thiệu về mình. Tôi là Tiến sĩ Rene Gralla, bên cạnh công việc chính là một Luật sư thì tôi còn là 1 phóng viên tự do chuyên viết về các mảng Trò chơi, Du lịch và Cờ – với trọng tâm là XIANGQI và Cờ Tướng. Tôi đã tìm hiểu về sự lớn mạnh và mức độ quần chúng của Cờ Tướng trong nét văn hóa Việt Nam qua trang web việt rất nổi tiếng là Vietnamchess.com  và http://www.vietnamchess.com.vn/index.php?option=com_content&view=article&id=461%3Aasiatiger&catid=135%3Achessnews&lang=en

Nếu ông muốn biết thêm về tôi, ông có thể gõ tên tôi trên www.google.de hoặc www.yahoo.com, qua đó ông sẽ thấy một loạt các danh sách phỏng vấn cũng như những nét chính của tôi. Đặc biệt, với sự gợi ý và giúp đỡ của tôi, 1 chương trình về XIANGQI  đã được phát sóng kênh truyền hình ca nhạc MTV ở Đức. Với đường dẫn www.youtube.com/watch?v=0NBXZN6MYXI  ông có thể nhìn thấy tôi giải thích về XIANGQI  và hơn nữa, bộ cờ với những quân cờ mà ông thấy là tôi đã tự làm lấy (trong thư sau tôi sẽ gửi cho ông những tấm hình về bộ cờ này của tôi).

Bởi vì tôi đã đọc về trò chơi Cờ Tư Lệnh cực kỳ ấn tượng và có tầm nhìn này của ông qua trang web vietnamchess.com, tôi muốn không những chỉ giới thiệu trò chơi tuyệt vời này đến những người hâm mộ môn cờ nói riêng mà tới cả những người đam mê những trò chơi mang tính chiến lược nói chung. Vì vậy tôi muốn thực hiện một bài phỏng vấn với ông và qua đó tôi muốn được giải thích thêm về luật lệ và cách chơi của môn cờ này. Bài phỏng vấn này tôi sẽ đưa lên các phương tiện truyền thông đại chúng ở Đức.  Trang web Chessbase.de và tờ báo hàng ngày „Neues Deutschland“ sẽ giúp tôi thực hiện kế hoạch này.

           Tiến sỹ Rene Gralla

Ông Hải kính mến, sau đây là những câu hỏi của tôi :

1.     Trò chơi Cờ Tư Lệnh là một phiên bản hiện đại của XIANGQI/CỜ TƯỚNG với hệ thống vũ khí hiện đại như xe tăng, máy bay, tên lửa và hỏa lực phòng không, nhưng bên cạnh đó tôi lại thấy thiếu những quân cờ như Mã và Tượng. Xin hỏi ông là từ đâu mà ông đã có sáng kiến này để phát triển Cờ Tư Lệnh?

Trả lời

Cờ tướng cờ vua đã tồn tại từ bao thế kỷ nay. Nó mang hơi thở của thời đại xa xưa, một giai đoạn dài trong lịch sử phát triển của xã hội loài người. Nhưng nó có vẻ như đang đứng ngoài cuộc, vô cảm, thờ ơ với những gì đang diễn ra trong thế giới hiện đại ngày hôm nay.

Một trò chơi, trò chơi nào cũng vậy, không đơn thuần chỉ là một trò chơi. Nó mang dấu ấn của giai đoạn lịch sử nó đang sống và phát triển trong đó. Trò chơi không chỉ là giải trí đơn thuần mà nó còn góp phần giáo dục bản lĩnh, trí tuệ, ý chí và trách nhiệm của người dân với đất nước quê hương.

Các loại cờ từ trước đến nay hầu hết cái lõi vẫn là trận chiến, là thắng thua…  Ngày nay từ rất lâu đối tượng thắng thua trong lịch sử không còn là vua chúa, không còn là mã tượng xe, mà là các quân binh chủng hiện đại.

Với bản thân tôi, cả cuộc đời trải qua ba cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, rất thấm thía điều này. Không đợi khi chiến tranh xảy ra mà ngay trong thời bình, bằng một trò chơi nho nhỏ giúp cho lớp trẻ vừa vui chơi giải trí vừa rèn luyện tư duy, bản lĩnh tác chiến chỉ huy để khi có giặc “đã đánh là thắng” bớt hy sinh xương máu, là đóng góp thiết thực cho nhiệm vụ quốc phòng toàn dân.

  1. 2        Một điều đặc biệt nữa mà tôi thấy là trong luật chơi của CỜ TƯ LỆNH là không những chỉ có một dòng sông ranh giới như ở XIANGQI/CỜ TƯỚNG mà còn có hệ thống sông nước với tàu chiến,  điều mà đã tạo nên sự khác biệt trong phiên bản cờ của ông khi so sánh với những phiên bản cờ khác. Liệu đây có phải là tượng trưng cho đặc điểm địa lý của Việt nam với hệ thống sông ngòi chằng chịt? Và liệu có phải hệ thống này đã được khai thác triệt để trong chiến tranh chống Mỹ, đặc biệt là trên sông Mekong?

Trả lời

Đúng như vậy.  Tôi đã xuất phát từ thực tiễn cuộc chiến tranh giữa Mỹ và Việt Nam. Nhưng Việt Nam không chỉ có sông, không chỉ có Cửu Long… Việt Nam cũng như Nhật Bản, Anh Quốc, Indonesia, Lybia… còn có biển. Ngày nay vị trí chiến lược của biển vô cùng quan trọng. Cụ thể như tình hình Biển Đông hiện nay. Vì vậy cấu trúc bàn cờ có vùng biển là một sáng tạo vừa làm cho các nước cờ, thế cờ phong phú và lý thú. Cũng từ cấu trúc này tôi nghĩ rằng CỜ TƯ LÊNH sẽ thả sức vươn ra khắp thế giới. Ngay trong lúc tôi viết câu trả lời này thì nhận được một cú điện của Bình, sinh viên năm thứ hai Học viện Hải Quân Nha Trang. Em rất thích thú trong CƠ TƯ LÊNH có vùng biển và hỏi tôi học chơi cờ này ở đâu.

3.     Liệu tôi có thể nhận định được rằng, sự kết hợp giữa bộ binh và thủy binh trong CỜ TƯ LỆNH,  đã tạo nên một trò chơi mang tính Việt Nam thật sự?

Trả lời

Vâng, đúng thế…  Nét điển hình trận chiến trong CƠ TƯ LÊNH là trận chiến hiệp đồng quân binh chủng. Nó tái hiện từ lịch sử hai cuộc chiến tranh qui mô lớn Việt Nam đã trải qua.  Xem bài Trận chiến trên vùng biển trong haiduongblog. wordpress.com hoặc haiduongblog sẽ thấy được nét đặc thù của CƠ TƯ LÊNH.

4.     Liệu có phải ông đã đưa nhũng kinh nghiệm bản thân của mình  vào trong môn CỜ TƯ LỆNH này không?

Trả lời

Vâng đúng thế. CƠ TƯ LÊNH, một phần xuất phát từ những gì tôi đã phải trải qua trong chiến dịch tiến công năm 1972 tại mặt trận Quảng Trị. Quân đội Việt Nam không có máy bay tham chiến, pháo binh là lực lượng hỏa lực chủ yếu, trong lúc sư đoàn 304 bộ binh chưa tới kịp, với hỏa lực tập trung mãnh liệt của đoàn pháo binh Bông Lau (khi đó tôi là tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 2) cả trung đoàn 56 quân đội Sài gòn tại cao điểm 241, với căn cứ phảo binh Vua chiến trường 175mm, đã phải gọi điện trực tiếp cho pháo binh xin đầu hàng. Sang đợt 2 đơn vị tôi phải vượt qua sông Thạch Hãn, quân đội Mỹ đã dùng B52 rải thảm dọc sông Thạch Hãn, đơn vị tôi bị thương vong nhiều, xe pháo chẳng còn bao nhiêu.  Đó chính là dấu ấn lịch sử, là hơi thở thời đại có thể tìm thấy trong CƠ TƯ LÊNH.

5.     Cho phép tôi hỏi 1 câu hỏi ngoài lề. Tôi đoán là ông đã tham gia mặt trận chiến tranh chống Mỹ. Ông chiến đấu ở đâu? Liệu có khi nào những kinh nghiệm của ông lại chống lại chính sơ đồ thiết kế của CỜ TƯ LỆNH không? Có lẽ kể cả những chiến thuật cũng như sách lược giúp người chơi giành chiến thắng?

Trả lời

Tôi là giáo viên bộ môn trắc địa tại trường Sỹ quan Pháo binh. Sau cuộc tổng tiến công tết Mậu Thân 1968, tôi được điều về làm tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 2 trung đoàn pháo dự bị Bộ Tổng. Tiểu đoàn tôi khi mới vào giới tuyến Vĩnh Lịnh có nhiệm vụ dùng pháo 130mm bảo vệ bờ biển giáng trả tầu chiến Hoa Kỳ dùng pháo hạm bắn vào khu Vĩnh Linh. Sức ép của hải quân Hoa Kỳ khi đó đặc biệt là vụ tàu Ma đốc gây ra chiến tranh phá hoại bằng không quân ở miền Bắc. Rồi tiếp đến chiến dịch Điện Biên Phủ trên không năm 1972 tại Hà Nôi, máy bay Míg phải rời tới sân bay bí mật để bất ngờ xuất kích diệt B52… Lịch sử hào hùng và ấn tượng đó đã thúc đẩy tôi cấu trúc nên cờ tư lệnh có vùng biển, có hệ thống  cao xạ có dải hỏa lực phòng không  và máy bay. Chơi CƠ TƯ LÊNH muốn thắng cuộc tất nhiên phải am hiểu chiến thuật, chiến lược. Tuy nhiên chiến thuật chiến lược trên chiến trường, khác chiến thuật chiến lược trên bàn cờ, kinh nghiệm chiến đấu chắc không tránh khỏi có lúc đi ngược lại ý đồ thiết kế của trò chơi.

6.     Ý tưởng chính trong môn cờ , không những đối với XIANGQI/CỜ TƯỚNG  mà còn cả ở cờ phương tây, là sự chiến đấu của 2 đội quân. Với lý do này thì XIANGQI/CỜ TƯỚNG cũng như cờ phương tây là cờ vua thực ra không mấy khác so với 1 dạng của „Sa bàn quân sự“ dùng trong quân đội , khi mà  lúc đó chưa có sự mô phỏng hình ảnh trên máy tính. Tuy nhiên, tính thực tế của XIANGQI/CỜ TƯỚNG cũng như cờ phương tây bị mất dần khỏi nhận thức của người đánh cờ sau 1 thời gian chơi. Lúc đó, XIANGQI/CỜ TƯỚNG và đặc biệt là cờ vua sẽ chỉ chú ý nhiều đến toán học, địa lý học mà dần dần cách xa khỏi thực tế. CỜ TƯ LỆNH của ông liệu có đi ngược lại với qui luật này của XIANGQI/CỜ TƯỚNG và cờ vua hay không? Tính thực tế có được chú ý nhiều không khi mà một hệ thống vũ khí mới được khai thác (xe tăng, máy bay, tên lửa…) thay cho hệ thống vũ khí cũ là „Tương, Mã, Pháo“ (XIANGQI/CỜ TƯỚNG) hay „Tượng, Hậu“ (cờ vua)?

Trả lời

Trò chơi nào rồi cũng đến lúc xa dần thực tế, nó chỉ phản ánh một giai đoạn lịch sử nhất định.  Khi cấu trúc CỜ TƯ LỆNH tôi không chỉ dựa vào thực tế đã qua mà còn chú ý tới những gì đang diễn ra ngày hôm nay và trong tương lai gần.

7.     Có thể có những người sẽ nhận xét rằng, CỜ TƯ LỆNH quá mang tính hiếu chiến với hệ thống vũ khí hiện đại để có thể được coi như một trò chơi đơn thuần. Ý kiến của ông là gì khi nghe những lời nhận xét này?

Trả lời

Hãy làm quen dần với những thứ vũ khí hiện đại và hãy góp sức biến dần nó thành trò chơi. Với CƠ TƯ LÊNHđương nhiên chỉ là một trò chơi trên bàn cờ, có gì là hiếu chiến. Làm quen với nó để khi xảy ra chiến tranh, sẽ tránh được  sự hủy diệt của nó. Tuy nhiên  thông điệp của tác giả trong CƠ TƯ LÊNHchính là ước vọng một nền hòa bình trên trái đất, một ngày nào đó những thứ vũ khí giết người đó chỉ là những con cờ thực sự.

8.     Liệu người ta có thể  chống lại được sự phê bình này bằng cách nói rằng những môn cờ khác cũng mang tính hiếu chiến như vậy vì đó là cuộc chiến giữa 2 đội quân. CỜ TƯ LỆNH sử dụng lại ý tưởng chính  của bộ môn cờ nói chung , thêm vào đó là hệ thống vũ khí hiện đại, những thứ mà trong thế giới bây giờ của chúng ta đang hiện hữu?

Trả lời

CƠ TƯ LÊNH tiếp thu tinh hoa của cờ tướng, cờ vua nhưng hoàn toàn không phải là bản sao hoặc hoán vị từ cờ tướng. CƠ TƯ LÊNH là cờ mở, cấu trúc và qui tắc nhiều khâu đi ngược với cờ tướng cờ vua. Ví dụ: CƠ TƯ LÊNH cấu trúc bàn cờ có vùng biển; tư lệnh trong CƠ TƯ LÊNH không cấm cung quanh quẩn trong sở chỉ huy mà có thể tham gia trực tiếp chiến đấu; quân bộ binh không chỉ được đi tiến, đi ngang kiểu gí tốt mà tung hoành dọc ngang khi tiến khi lui; pháo không chỉ đi chéo và bị ghìm chân bên này chiến tuyến như quân tượng trong cờ tướng mà được đi thẳng, đi ngang, đi chéo 45 độ, ăn quân đối phương vượt qua khối chắn theo qui tắc đường đạn cầu vồng, pháo trên tàu biển lại được đứng tại chố ăn quân đối phương; máy bay ăn quân đối phương có thể ở lại vị trí ăn hoặc trở lại vị trí sân bay cũ; cao xạ vừa ăn quân đối phương trên mặt đất mà còn có dải hỏa lực trên không để tạo thành bức tường chống lực lượng không quân đối phương…  Những qui tắc đó chỉ mới có trong  CƠ TƯ LÊNH … Tuy nhiên  đây chỉ là sự đua tài về bản lĩnh chỉ huy, về mưu trí sáng tạo của hai người hoặc hai đội chơi,  một bên là quân đỏ, một bên là quân xanh nhằm tạo cơ hội để các bạn trẻ nhất là sỹ quan tự đánh giá mình một cách chính xác về tri thức quân sự.

9.     Trong CỜ TƯ LỆNH của ông  luật „chiếu tướng“ thực hiện như thế nào? Quân vua có bị „ăn“ ngay không khi mà nó không tìm cách chạy thoát khi bị chiếu tướng? Theo tôi thì quân vua bị „ăn“ ngay khi nó vẫn còn đường chạy thoát mang tính thực tế cao hơn, giống như một dạng cờ của Nhật Bản tên là „SHOGI“.

Trả lời

Dẫu còn nhiều đường chạy thoát, nhưng không kịp phát hiện mũi đột kích, mũi chiếu của đối phương thì tư lệnh vẫn bị „diệt“. Đây là trường hợp đối phương không hô: chiếu tư lệnh! Còn nếu đối phương hô chiếu thì tất nhiên tư lệnh phải tìm cách chạy thoát chứ. Quân tư lệnh trong CỜ TƯ LỆNH còn được phép nhảy hẳn sang bên khu sở chỉ huy của đối phương để cùng quân sỹ bao vây và chiếu tư lệnh.

10.                        Bên cạnh tên lửa phòng không, ông  còn đưa vào trong CỜ TƯ LỆNH cả máy bay, phương tiện mà thường được sử dụng cho khoảng cách lớn. Có phải vì thế mà bàn cờ của ông được nới rộng thành 11×12 thay vì 8×8 trong cờ vua hay 9×10 trong XIANGQI/CỜ TƯỚNG? Xin ông giải thích rõ hơn cho tôi hiểu.

Trả lời

Bàn cờ tư lệnh được nới rộng thành 11×12 vì thêm vùng biển là chủ yếu, tất nhiên cũng là nới rộng tầm hoạt động cho quân máy bay. Quân trên bàn cờ không phụ thuộc hoàn toàn vào thực tế như tầm hoạt động của máy bay hay thậm chí tên lửa vượt đại châu. Quân trên bàn cờ dẫu sao vẫn chỉ là qui ước. Ở đây máy bay có thể hiểu chung chung là không quân.

 

11.                        Ông có nghĩ rằng bàn cờ 11×12 đã đủ rộng cho tất cả các quân cờ hoạt động, đặc biệt là máy bay hay không? Có thể nới rộng bàn cờ hơn được không để đặc biệt là máy bay hoạt động được hiệu quả như trên thực tế? Liệu một bàn cờ lớn hơn thì có làm cho tình thế phức tạp hơn không?

Trả lời

Bàn cờ có nới rộng mấy cũng khó đáp ứng được thực tế. Tôi nghĩ 11x 12 là đủ. Trò chơi còn phải gọn nhẹ dễ sử dụng.

12.                        Ông nghĩ sao về ý tưởng thay thế „máy bay“ trong CỜ TƯ LỆNH thành „trực thăng“ để nó phù hợp hơn với thực tế khi bàn cờ của ta rộng 11×12?

Trả lời

Đó là một ý tưởng hay.

13.                        Một điều rất thú vị nữa là trong CỜ TƯ LỆNH còn có lực lượng làm nhiệm vụ mở đường. Nước đi của quân mở đường này là như thế nào? Quân mở đường này có được phép ăn các quân khác của đối thủ hay không vì quân mở đường không làm nhiệm vụ chiến đấu? Và nếu như tôi hiểu đúng luật lệ thì quân mở đường sẽ có nhiệm vụ giúp vượt sông khi trên sông không có gì để băng qua? Làm sao để thực hiện được điều này? Với những bước đi như thế nào để tôi có thể đưa quân mở đường tới dòng sông và đặt nó vào vị trí trên sông? Liệu đối thủ của tôi có thể phá kế hoạch này bằng cách chặn hoặc ăn quân được không?

Trả lời

Binh chủng công binh là quân mở đường. Nó không chỉ có nhiệm vụ bắc cầu cho các phương tiện khác qua, mà còn có nhiệm vụ phá rào mở đột phá khẩu… nghĩa là nó có sứ mệnh như quân bộ binh: đi và ăn quân đối phương từng đoạn một.

14.                        Trong CỜ TƯ LỆNH cũng có quân pháo. Cách thức di chuyển của quân này như thế nào để có thể bảo vệ được các quân cờ khác?

Trả lời

Trong CỜ TƯ LỆNH quân pháo được đi và ăn quân đối phương theo trục và chéo 45 độ từ một đến ba đoạn. Được phép đi và ăn quân đối phương  vượt qua khối chắn, vượt qua sông. Nhưng nếu chỉ cơ động đơn thuần thì không được phép vượt qua khối chắn và vượt qua đoạn sông sâu. Pháo trên tàu chiến bắn vào đất liền, hoặc pháo từ đất liền bắn ra tàu chiến được phép đứng tại chỗ. Pháo trong CỜ TƯ LỆNH thường được sử dụng ngay trong giai đoạn khai cuộc để nhằm phá hủy hệ thống phòng không cao xạ của đối phương, tạo điều kiện cho máy bay tiến công.

15.                        Hai vua có thể trực tiếp đánh nhau được không? Điều đấy được thực hiện như thế nào?

Trả lời

Hai tư lệnh có thể trực tiếp đánh nhau. Ăn nhau khi lộ mặt tư lệnh kiểu như cờ tướng. Đặc biệt trong CỜ TƯ LỆNH, tư lệnh có thể sang tận sở chỉ huy của tư lệnh đối phương cùng quân của mình vây bắt và chiếu bí tư lệnh đối phương.

16.                        Tôi nhận thấy rằng, khi 2 đội hoàn tất sự dàn quân của mình và bắt đầu vào trận đấu thì ván cờ sau đó được diễn ra khá nhanh, đúng vậy không? Điều này có phải do tác động của lực lượng Không quân (giống như trên thực tế) ?

Trả lời

Nhanh chậm còn do qui định của lối chơi. Nếu chơi theo giờ, tính điểm, trong lúc nghỉ giải lao mười hoặc mười lăm phút thì tất nhiên phải nhanh và khi chơi tốc độ sẽ dễ bị nướng quân. Không quân có lợi thế là oanh kích xong được phép trở về vị trí ngay tránh được quân đối phương tấn công, nên nếu không tinh, không nhìn được toàn cục diễn biến thì rất dễ bị mất quân.

17.                        Có thể nói rằng, CỜ TƯ LỆNH của ông không phải là một hình thức khác của XIANGQI mà nó là sự thay thế cho XIANGQI vào thời điểm hiện tại?

Trả lời

Vâng đúng thế.

18.                        Ở thế kỷ thứ 9, sau khi vũ khí với thuốc nổ được đưa vào quân đội Trung Quốc, thì trong cờ XIANGQI cũng xuất hiện quân Pháo như một sự phản ánh lại của hiện thực. Vậy việc đưa xe tăng, máy bay, cao xạ, tên lửa vào trong CỜ TƯ LỆNH cũng giống như quân pháo trong XIANGQI?

Trả lời

Vâng, đúng thế.

19.                        Hiện nay giới trẻ ở khắp nơi trên thế giới đã bị lôi quấn quá nhiều bởi những trò chơi chiến đấu trên máy tính. Vậy CỜ TƯ LỆNH có sức thu hút tới mức nào để họ có thể từ bỏ máy tính và quay lại với những trò chơi dân gian như thế này? Ông có nghĩ đến điều đó khi phát triển trò chơi này không?

Trả lời

Dù sao trò chơi máy tính vẫn chỉ là trò chơi trên máy tính, trò chơi trên máy tính không thể thay thế trò chơi trực diện vô cùng phong phú, trí tuệ, mưu lược và thú vị giữa con người với con người.

20.                        Liệu CỜ TƯ LỆNH của ông có giúp những người trẻ tuổi biết rõ hơn về môn CỜ TƯỚNG và qua đó cảm thấy thích thú không? Có thể coi CỜ TƯ LỆNH như một chiếc cầu nối giữa văn hóa trò chơi cổ truyền  của Việt Nam và văn hóa trò chơi hiện đại được không?

Trả lời

Tất nhiên khi xuất hiện CỜ TƯ LỆNH những người chơi cờ tướng sẽ tìm hiểu điều gì khác và giống nhau giữa hai môn cờ. Họ sẽ hiểu sâu hơn về cờ tướng và họ cũng thấy được điều gì mới hấp dẫn trong CỜ TƯ LỆNH, vậy đúng như tiến sỹ nói; có thể coi CỜ TƯ LỆNH như chiếc cầu nối giữa văn hóa trò chơi cổ truyền và văn hóa trò chơi hiện đại.

21.                        Hiện nay trò chơi này hoàn toàn có khả năng được thực hiện trên máy tính dưới hình thức 3D. Ông có nghĩ đến ý định này không? Đã có phiên bản nào dành cho máy tính hay chưa?

Trả lời

Tôi hy vọng kịch bản CỜ TƯ LÊNH của tôi sẽ trở thành phiên bản thú vị của nghệ thuật dưới hình thức 3D. Tôi có tham vọng nhưng chưa có điều kiện làm việc trên một phiên bản dành cho máy tính. Điều này Liên đoàn cờ Quốc tế  liệu có thể là cha đỡ đầu giúp cho CƠ TƯ LÊNH có bước phát triển tiếp theo?

22.                        Liệu một trò chơi mang tính chiến lược như CỜ TƯ LỆNH có đủ  khả năng truyền cảm hứng cho những người trẻ tuổi, những người mà từ trước cho tới giờ chỉ say sưa với những trò chơi bắn nhau đơn thuần? Và liệu CỜ TƯ LỆNH có nâng cao được trình độ của những trò chơi trong thời buổi bây giờ hay không?

Trả lời

Trò chơi bắn nhau đơn thuần chỉ hấp dẫn ở lứa tuổi vị thành niên, chủ yếu ở lứa tuổi học sinh cấp hai. Lớn lên một chút thanh niên sẽ nghiêng dần về trò chơi trí tuệ.

23.                        Các quân cờ trong CỜ TƯ LỆNH không hề có khắc chữ Hán nữa mà được dán hình ảnh minh họa lên trên. Có phải bởi vì giới trẻ  bây giờ không có hứng thú đọc nữa mà chỉ thích nhìn hình ảnh hay không?

Trả lời

Có thể nói lớp trẻ bây giờ đang sống trong thời đại tốc độ thời đại trực quan. Ngay cả tiểu thuyết cũng phải hay lắm, lạ lắm, có tiếng vang lắm họ mới bỏ thời gian để đọc.

24.                        Liệu bước phát triển tiếp theo cho CỜ TƯ LỆNH là tạo ra những quân cờ dạng 3D đúng với hình mà nó tượng trưng (xe tăng, máy bay, tàu…) không hay là hiện tại đã có bộ cờ như vậy rồi?

Trả lời

Bước tiếp theo sẽ là như vậy, nhưng hiện nay chưa có bộ cờ như vậy.

25.                        CỜ TƯ LỆNH đã được bán tại Việt Nam hay chưa? Nguyên liệu nào để sản xuất ra bộ cờ này? Gía một bộ cờ là bao nhiêu?

Trả lời

CƠ TƯ LÊNH của tôi ở Việt Nam chưa gặp được người am hiểu, có tiềm năng tài chính và có tình yêu với bộ môn cờ như tiến sỹ. Tiến sỹ là người am hiểu sâu sắc nghệ thuật cờ lại có mối quan hệ toàn cầu. Tôi rất mong qua tiến sỹ tôi gặp được nhà đầu tư có tiềm năng về tài chính và thấy được lợi ích lâu dài của cờ ra tay sản xuất những bộ cờ đẹp như bộ cờ tôi được thấy trong tấm ảnh của tiến sỹ, tổ chức lập trình để cộng đồng có thể chơi cờ trực tuyến trên mạng. Trước mắt trung tâm văn hóa sách Tràng An sẽ in sách CỜ TƯ LÊNH – CỜ VIÊT NAM để quảng bá trong nội địa.

26.                        Có thể lấy CỜ TƯ LỆNH ra làm hình mẫu cho XIANGQI/CỜ TƯỚNG bằng cách dán hình ảnh minh họa lên quân cờ hoặc tạo hình quân cờ theo thực tế để làm cho môn cờ này trở nên thú vị hơn đối với giới trẻ? Ông có thể xem lại đường link www.youtube.com/watch?v=r_efJJa4-MI , trong đó tôi hướng dẫn luật chơi của XIANGQI/CỜ TƯỚNG với bộ cờ 3D mà tôi tự chế tạo ra .

Trả lời

Tôi đã xem loại cờ hình khối của cờ tướng mang tính trực quan, tất nhiên nó đem lại sự đa dạng và thú vị hơn, nhưng nó có phần đi ngược lại lối chơi tư duy sâu của cờ tướng cổ điển, phù hợp hơn với đối tượng người lớn tuổi. CƠ TƯ LÊNH với cái lõi là loại cờ mở, với nước cờ, thế cờ gần gũi với chiến thuật chiến lược trong chiến tranh hiện đại, thì các quân cờ biểu trưng cho các quân binh chủng gần gũi chắc chắn  sẽ thú vị hơn, đặc biệt với lớp trẻ.

27.                        Có thể đưa CỜ TƯ LỆNH vào trong giảng dạy quân sự được không như một sự tập luyện về chiến lược và chiến thuật, cũng giống như XIANGQI/CỜ TƯỚNG đã được đưa vào giảng dạy quân sự từ 2200 năm trước đây?

Trả lời

Rất có thể. Có thể dùng nước cờ hay để bổ trợ cho học viên hiểu thêm về chiến thuật. Đặc biệt coi cờ là công cụ vừa học vừa chơi ngoài giờ luyện tập chính thức.

28.                        Tôi đã được xem một bức ảnh mà ông đang chỉ cách chơi môn cờ này cho những người lính trẻ. Vậy CỜ TƯ LỆNH đã được phổ biến rộng rãi trong quân đội hay chưa? Đã có cuộc thi đấu nào diễn ra chưa?

Trả lời

CỜ TƯ LỆNH còn rất mới, mặc dù đã được báo Quân đội Nhân dân, báo của Liên đoàn Cờ Vietnamchess, báo Văn hóa, báo Thể thao Văn hóa , kênh truyền hình VTC1, kênh truyền hình STTV phổ biến rộng rãi nhưng chưa được các tổ chức quản lý  chuyên ngành thể thao trí tuệ có kế hoạch chính thức tổ chức, đầu tư và phát triển. Tôi mới chỉ bồi dưỡng cho một số hạt nhân để từ đó cờ được lan rộng trong cộng đồng. Thời gian tới có sách hướng dẫn trong toàn quốc, trong quân đội, tôi tin là cờ sẽ mau chóng phát triển trong cộng đồng.

29.                        Trong quân đội Đức, chơi cờ, đặc biệt là cờ vua rất được ủng hộ. Ông nghĩ sao khi chúng ta tổ chức một cuộc thi đấu cờ giữa quân đội Đức và Việt Nam?

Trả lời

Đó là ước mơ của tôi. Nhưng chuyện đó là của các cấp chỉ huy của hai quân đội.

30.                        Và trước khi điều này được xảy ra, tôi muốn được cho những người lính Đức thử chơi trò chơi này. Ý kiến ông ra sao?

Trả lời

Tôi đồng ý để những chiến sỹ trong quân đội Đức chơi thể nghiệm. Quá trình chơi sẽ có những ý kiến xác đáng giúp cho CỜ TƯ LỆNH hoàn thiện hơn.

31.                        Liệu có thể kết hợp XIANGQI/CỜ TƯỚNG , cờ vua, CỜ TƯ LỆNH với môn CỜ NGƯỜI được không?

Trả lời

Rất có thể.

32.                        Và cuối cùng, tôi còn có một số câu hỏi dành cho cá nhân ông:

  • Ông sống ở Hà Nội có đúng không thưa ông?
  • Xin ông cho biết năm nay ông được bao nhiêu tuổi?
  • Ông tham gia chiến tranh cho tới khi nào?
  • Theo như tôi hiểu, ông còn tham gia sản xuất phim cho đài truyền hình. Xin ông cho biết 2 sản xuất lớn nhất của ông trong lĩnh vực này cho tới bây giờ là gì?
  • Tôi chắc chắn là ông chơi Cờ tướng. Ông có thể nói cho tôi biết thành công lớn nhất của ông là gì không?
    • Ông Hải kính mến, tôi xin lỗi vì đã làm phiền ông với quá nhiều câu hỏi, chỉ bởi vì tôi rất muốn hiểu kỹ hơn về trò chơi đầy ấn tượng này của ông. Và bởi vì chúng ta không thể nói chuyện được trực tiếp với nhau – ít nhất là trong lúc này – nên những câu hỏi này sẽ được thực hiện qua Email để bài phỏng vấn trở nên có hiệu lực.

Vì vậy thưa ông, tôi mong mỏi nhận được những câu trả lời thú vị của ông và tôi sẽ rất vui mừng khi ông trả lời tôi trước thứ 6 ngày 22.04.2011.

Kính chào,

Dr.Gene Gralla

GG Production

Hamburg, Germany