Trả lời thư của Hội người Việt tại Pháp

Submitted by haiduong on Thu, 05/21/2015 - 09:55

Tin nhắn của Hội người Việt tại Pháp:
Cảm ơn chú Hải rất nhiều. Thông tin vô cùng thú vị và có ý nghĩa. Xin cho hỏi chú đang ở Việt Nam hay ở Paris ạ? Chú có thể có 1 bài viết về môn cờ này được không?

Trả lời thư của các bạn trong Hội người Việt tại Pháp: Tôi sẽ viết.

Cờ tư lệnh (Commander chess) 
( Thân gửi Hội người Việt tại Pháp)

Cờ tư lệnh là cờ gì? Nghe lạ hoắc, vậy mà chỉ sau 4 năm từ 16 tháng 11 năm 2010, ngày có chứng chỉ của cục Bản quyền, phong trào chơi cờ tư lệnh đã có bước phát triển không chỉ ở trong nước mà cả ở nước ngoài. Đã có các hội thi cấp cơ sở ở một số trường trung học và đại học. Ngày 22/12 /2014, hội thi cờ tư lệnh cấp thành phố đầu tiên cũng đã được tổ chức thành công tại Viện Bảo tàng LSQSVN, Hanoi, và cuối năm nay, hội thi cờ tư lệnh cấp Quốc gia đầu tiên cũng sẽ diễn ra tại đây.
Vậy cờ tư lệnh có gì khác với cờ Vua, cờ Tướng? Tất nhiên cờ tư lệnh cũng tiếp thu tinh hoa của các môn cờ quốc tế đã có tuổi thọ cả ngàn năm, nhưng Cờ tư lệnh có những khác biệt quan trọng, những biến đổi có tính cách mạng.
Jürgen Woscidlo giáo viên bộ môn cờ tại Hamburg CHLB Đức viết: Cờ tư lênh rất phổ biến ở trường học mà tôi đang giảng dạy và vào tháng 2 năm 2016, chúng tôi sẽ tổ chức giải đấu cờ tư lệnh đầu tiên. Tôi tin rằng cờ tư lệnh không những chỉ là trò chơi dành cho học sinh mà nó sẽ là một cuộc cách mạng của bộ môn cờ.
Những yếu tố nào của cờ tư lệnh mang tính cách mạng?
1- Ngàn năm nay bàn cờ của cờ Tướng, cờ Vua vẫn chỉ là một khung vuông mang dấu ấn của trái đất vuông, chỉ đến cờ tư lệnh bàn cờ mới có cả vùng biển, vùng sông, vùng trời gắn với địa lý thiên nhiên, gắn với hình ảnh quê hương đất nước, gắn với hơi thở thời đại. Tất cả những gì đang diễn ra trên thế giới trên vùng biển đều ghi dấu ấn trên bàn cờ của Cờ tư lệnh. 
2- Ngàn năm nay quân cờ của cờ tướng cờ vua vẫn chỉ là tướng sỹ tượng xe pháo mã tốt, dấu ấn của chiến tranh thời Cổ đại. Chỉ đến Cờ tư lệnh mới có bộ quân cờ với biểu tượng của các quân binh chủng hiện đại, trong đó có cả quân cờ "quân dân quân tóc dài" Có thể nói cờ tư lệnh là môn cờ hiện đại đầu tiên trên thế giới với bộ luật khá hoàn chỉnh đúc kết từ cuộc chiến tranh bảo vệ đất nước. Nó rất cần cho mọi quốc gia để ngay trong thời bình thế hệ trẻ của mỗi quốc gia có thể qua trò chơi vừa nắm được kiến thức cơ bản về quân sự, nâng tầm cao trí tuệ, vừa trau dồi bản lĩnh, gắn tình cảm và trách nhiệm với lịch sử quê hương.
3- Ngàn năm nay môn cờ "cứ ăn quân là phải thế chỗ". Chỉ đến Cờ tư lệnh mới có luật chơi rất phong phú: Các quân ở trong đất liền đấu nhau phải thế chỗ, nhưng quân trên biển đấu với quân trên đất liền thì được phép đứng tại chỗ ăn quân. 
4- Nét đặc sắc của cờ tư lệnh còn là luật cõng nhau đi, luật này chưa có trong tiền lệ. Ví dụ quân dân quân đi nấc một khi cần tăng tốc độ có thể được quân xe tăng đi hai nấc cõng. Quân xe tăng đi hai nấc khi cần có thể được máy bay đi bốn nấc cõng. Quân máy bay, quân tư lệnh, quân bộ binh khi thần tốc có thể được tàu chiến cõng. Lúc này tàu chiến trở thành tàu sân bay.
5- Nét đặc sắc của cờ tư lệnh còn phải kể đến hệ thống tên lửa, cao xạ tạo nên lá chắn lưới lửa phòng không, máy bay chạm vào lưới lửa bị cháy, muốn ăn quân trong lưới lửa phải một đổi một. 
6- Luật quân anh hùng. Quân nào chiếu tư lệnh đối phương được một lần, sẽ trở thành quân anh hùng. Quân anh hùng tầm đi và ăn được cộng thêm một nấc. Máy bay anh hùng trở thành máy bay tàng hình. Máy bay tàng hình bay vào vùng cấm của lưới lửa phòng không không bị cháy, ăn quân trong vùng cấm không bị một đổi một...
7- Cờ tư lệnh còn có lối kết mở, không nhất thiết cứ mất quân tư lệnh mới thua. Có hai quân tàu chiến, bên nào mất hai quân tàu chiến trước là bên đó thua trên mặt trận hải chiến, ván cờ kết thúc và tính điểm. Có hai quân máy bay, mất cả hai thì thua trên mặt trận không chiến... Tất nhiên mất tư lệnh thì thua nặng nhất. 
Tiến sỹ Rene Gralla mở đầu bài phỏng vấn tác giả với 32 câu hỏi đã viết: Tôi đã đọc về trò chơi Cờ Tư Lệnh cực kỳ ấn tượng và có tầm nhìn này của ông qua trang web vietnamchess.com, tôi muốn không những chỉ giới thiệu trò chơi tuyệt vời này đến những người hâm mộ môn cờ nói riêng mà tới cả những người đam mê những trò chơi mang tính chiến lược nói chung. (Trang web Chessbase.de và tờ báo hàng ngày “Neues Deutschland"
Nguyễn Chí Quang Bác sỹ toàn khoa CHLB Đức. Schiffbeker Weg 80. 22119 HAMBURG viết“… Tôi rất hãnh diện và hân hạnh được làm quen với dự án Cờ tư lệnh . Thế giới Cờ sẽ có thêm một CỜ TƯ LỆNH mới do một người Việt Nam nghĩ ra thật là hiếm quí, điều này tôi có đề nghị tiến sỹ DR Gralla tìm cách đưa vào sách GUINESS Book của những chuyện kỳ lạ trên thế giới…
Joseph White người quản lý thư viện bang Texas, Hoa Kỳ viết: Những điểm khác với phiên bản Hong Kong của cờ tướng (Shong Chee) thực sự làm tôi cực kì thích thú. …Từ những tìm hiểu của tôi, nguồn gốc của cờ được tranh luận rất sôi nổi ở phương Tây. Rất nhiều học sinh chơi cờ ủng hộ rằng nguồn gốc của cờ là từ phương Đông (Trung Quốc hay có liên quan tới nền văn hóa đất nước của anh) hơn là từ Ấn Độ hay Ba Tư …
Bức thư đầu năm của Raj Spielmann từ Thụy Sỹ gửi tác giả cờ tư lệnh 
. ..Hôm nay tôi đã giới thiệu trò chơi của bạn trong một bài học ở trường trung học của chúng tôi . Sau khi chúng tôi đã nói chuyện về chiến tranh Việt Nam . Tôi mong rằng các anh hùng và sự đau khổ của những người bạn không bao giờ nên quên 
Rick Knowlton” Nhà chuyên doanh các loại cờ ở Hoa Kỳ “Ancientchess” :
Trò chơi rất thú vị. Tôi sẽ rà lại tất cả thông tin tôi có hiện nay và làm một quyển luật chơi tốt nhất mà tôi có thể. Tôi sẽ dành thời gian cho Cờ Tư Lệnh và khiến nó được biết đến rộng rãi hơn ở phương Tây. Và đúng như lời hứa Rick đã dựng một bộ clip với 10 bài do anh trực tiếp giảng bằng tiếng Anh về luật chơi cờ tư lệnh. http://ancientchess.com/commander-chess/index.htm
Có người hỏi tôi vì sao lại đặt tên là cờ tư lệnh. Tôi trả lời: bây giờ tướng quá nhiều, văn nghệ sỹ cũng có thể là tướng, điều đất nước cần lúc này là những tư lệnh, những người chỉ huy trực tiếp tạo nên thắng lợi ngoài chiến trường để bảo vệ vững chắc non sông đất nước.
Có người hỏi động cơ nào đã giúp tác giả sáng tạo ra môn cờ này. Tôi trả lời: đó là những cái chết thương tâm của không ít những người lính trẻ mà tôi chứng kiến, thời kỳ tổng động viên, chỉ vì không nắm được kiến thức cơ bản về chiến tranh. 
Có người hỏi tôi, nhà nước đã đầu tư cho cờ tư lệnh bao nhiêu? Tôi trả lời: chưa, chưa nhưng chắc rồi nhiều ít cũng sẽ có. 
Bốn năm với đứa con tinh thần của mình, người cựu chiến binh già đã tự mình lo liệu. Bao nhiêu lương, bao nhiêu tiền nhuận bút dốc vào nuôi đứa con yêu quý của mình, dẫu mình đang còn phải đi ở nhờ nhà con gái, dẫu vẫn cái xe máy tồng tộc chỉ đáng giá vài triệu ngày ngày đeo cái mác 84 đi hết trường này đến trường khác để dạy, để truyền bá miễn phí cho môn cờ. Dẫu thiếu phương tiện chuyên nghiệp, không có tiền thuê chuyên nghiệp, phải dùng máy ảnh tự mình ghi hình, trực tiếp giảng rồi tự mình chúi đầu vào vi tính dựng clip rồi post lên mạng để dạy trực tuyến trọn vẹn 15 bài học... Nhưng vẫn say sưa vẫn tự cho mình là người hạnh phúc nhất. 84 tuổi mà còn có đứa con tinh thấn cuốn hút lớp trẻ đến như thế, dễ mấy ai có được. 84 tuổi còn được các cháu học sinh lớp sáu gọi bằng Thày, được tuổi trẻ học sinh trao cho niềm yêu thương. những nụ cười, dễ mấy ai có được!?

Đại tá nhà văn Nguyễn Quí Hải tác giả môn cờ tư lệnh
email: haibienkich@yahoo.com

A great reasource in English to learn the rules, see demos and buy sets of this new Vietnamese chess variant
ANCIENTCHESS.COM