Luật chơi cờ tư lệnh (tóm tắt)
published by haiduong | 0 comment
Luật chơi cờ tư lệnh
(Tóm tắt)
I- Cấu trúc của bàn cờ
Bàn cờ hình chữ nhật, do 11 đường dọc và 12 đường ngang cắt nhau vuông góc tại 132 điểm hợp thành. Có một khoảng trống ước lệ, đó là sông (màu xanh nhạt - xem Hình 1). Sông nằm ngang, chia bàn cờ thành hai phần đối xứng bằng nhau gọi là chiến tuyến. Trên sông (chiến tuyến) có hai đoạn nước nông, dưới có nền đá, được gọi là ngầm. Mọi phương tiện đều có thể vượt qua ngầm. Bên trái bàn cờ (nhìn từ phía này), sẽ là bên phải (nhìn từ phía kia) có hai dãy ô vuông chạy dọc suốt hai chiến tuyến, được quy ước đó là biển (màu xanh đậm hơn sông), trên biển có lực lượng Hải quân tham chiến.
Cờ vua, bàn cờ hình vuông, quân cờ đi theo ô, cột dọc, hàng ngang. Cờ tư lệnh đi theo trục tung, trục hoành. Trục tung (dọc) có đánh số các đoạn từ 0 đến 11. Trục hoành (ngang) đánh số từ 0 đến 10 như trong toán số học. Gốc của trục tọa độ là 0, góc dưới cùng bên trái bàn cờ, ở khu bên vùng biển (như hình vẽ).
Mỗi một giao điểm đều có tên của nó, theo quy định đọc số trục tung trước, số trục hoành sau. Ví dụ: điểm 3,5 (đọc là ba năm); điểm 0,0 (đọc là không không); điểm 0,7; điểm 0,10; điểm 11,10; điểm 11,0; điểm 8,4 (xem Hình 1).
Hình 1
III- Quân cờ
Mỗi ván cờ lúc bắt đầu chơi có đủ 38 quân, số quân đó được chia đều cho hai bên: 19 quân Đỏ, 19 quân Xanh; bao gồm 11 loại quân, có logo tượng trưng cho các quân binh chủng hiện đại, như bộ binh, xe tăng, máy bay, tàu chiến... đặc biệt có cả dân quân tóc dài. Quân cờ của bên Xanh hoặc bên Đỏ, chỉ khác nhau về màu sắc, còn ký hiệu, cách đi và cách ăn quân đối phương của chúng hoàn toàn giống nhau.
Trong số 19 quân, có hai quân sở chỉ huy, chỉ đứng tại chỗ làm vật cản, không được đi và ăn quân đối phương.
Ký hiệu và số lượng của 11 loại quân được thể hiện ở Hình 3 dưới đây:
Hình 3. Quân cờ
Ở Cờ tướng: vua cấm cung, sỹ loanh quanh trong cung, tượng cũng loanh quanh bên này chiến tuyến để bảo vệ ngai vàng. Ở Cờ tư lệnh, Tư lệnh không chỉ bó chân trong hầm chỉ huy mà khi cần thiết cũng phải xông ra chiến trường để cùng quân sỹ chiến đấu giành chiến thắng.
Cờ tư lệnh còn có hệ thống trận địa cao xạ có thể ăn cả quân mặt đất và ăn quân trên trời. Cờ tư lệnh có cả tàu chiến, là quân có ba chức năng trong một, bởi trên tàu chiến có ba loại hỏa khí: tên lửa hải đối hải, pháo hạm và cao xạ. Tên lửa hải đối hải là hỏa khí đối kháng giữa tàu chiến với tàu chiến. Pháo hạm là hỏa khí đối kháng giữa tàu chiến với các mục tiêu trên đất liền. Cao xạ là hỏa khí đối kháng giữa tàu chiến với máy bay.
Hình 4. Cách xếp quân cờ
II- Các cách chơi cờ tư lệnh
Cờ tư lệnh có ba cách chơi:
1. Chơi cơ bản
Việc bố trí quân cơ bản lúc đầu, hai bên công khai bố trí lực lượng giống nhau theo quy định của luật chơi (như Hình 4).
2.
Chơi nâng cao (sau khi đã chơi cơ bản thành thạo)
Hai bên theo ý đồ chiến thuật của mình, bí mật bố trí quân (có thể dùng bìa giấy để che giấu lực lượng) và hoàn toàn tự do, phá cách, không nhất thiết bố trí như lối chơi cơ bản. Khi cuộc chơi bắt đầu mới lật cờ ngửa quân cờ và tổ chức lực lượng căn cứ vào tình huống thực tế mà tìm ra lối đánh làm thất bại chiến lược của địch, diệt được tư lệnh đối phương.
3.
Chơi theo dạng cờ người tại các lễ hội
111- Quy tắc chơi
1. Đi và ăn
- Công binh, bộ binh, cao xạ, dân quân “tóc dài” được đi tiến, đi lùi, đi ngang và ăn thẳng, nghĩa là di chuyển tung hoành dọc ngang theo trục bàn cờ từng đoạn một. Có thể đứng tại chỗ ăn mục tiêu trên biển cách một đoạn. Đặc biệt, quân “tóc dài” ngoài quy định trên còn được đi và ăn chéo 45 độ từng đoạn một.
- Xe tăng đi và ăn thẳng dọc ngang theo trục từ một đến hai đoạn. Với mục tiêu trên biển, ăn theo quy định, nhưng được đứng tại chỗ, không phải thế chỗ.
- Pháo binh mặt đất, ngoài đi và ăn thẳng dọc ngang theo trục, còn được đi và ăn chéo 45 độ, từ một đến ba đoạn; được ăn vượt qua khối chắn (kiểu quân tượng trong Cờ tướngnhưng không bị kìm chân bên này chiến tuyến)… Pháo được phép đứng tại chỗ bắn và ăn quân đối phương trên biển trong khoảng từ một đến ba đoạn. Khi ăn quân trên bờ biển thì phải thế chỗ.
- Tên lửa phòng không được đi và ăn quân mặt đất, quân trên không theo vành đai hỏa lực có bán kính hai đoạn theo trục và một đoạn chéo 45 độ.
- Máy bay đi và ăn thẳng, ăn chéo 45 độ quân đối phương, từ một đến bốn đoạn; được phép bay vượt khối chắn; được phép dừng lại thế chỗ ở nơi ăn quân đối phương hay trở lại ngay vị trí sân bay, để tránh bị đối phương tiêu diệt. Máy bay ăn máy bay của đối phương thì buộc phải thế chỗ. Máy bay sơ ý bay qua vành đai hỏa lực cao xạ và tên lửa phòng không của đối phương lập tức bị cháy. Nếu mục tiêu của máy bay chủ đích diệt trận địa cao xạ và tên lửa phòng không của đối phương hoặc mục tiêu nào đó trong vành đai hỏa lực phòng không thì cả hai đều bị tiêu diệt, tức là một đổi một.
- Tàu chiến, trên tàu có cao xạ, pháo binh và tên lửa hải đối hải. Cao xạ hoạt động theo nguyên tắc chung nêu trên. Khi tham chiến hợp đồng binh chủng, pháo trên tàu được đứng tại chỗ bắn và ăn các mục tiêu trên đất liền theo quy định như đối với pháo binh mặt đất. Nếu pháo trên tàu ăn quân dọc bờ biển, không qua đất liền, thì phải thế chỗ. Tên lửa hải đối hải đi và ăn thẳng, ăn chéo từ một đến bốn đoạn mục tiêu trên biển và dọc bờ biển. Mục tiêu của tên lửa hải đối hải chỉ là tàu chiến và khi ăn phải thế chỗ. Tàu chiến có thể đi vào đoạn sông sâu phía ngoài đoạn có ngầm cạn.
- Tư lệnh được đi theo trục dọc ngang không hạn chế, miễn là không vướng khối chắn, nhưng khi ăn quân đối phương chỉ được ăn phạm vi một nấc. Tư lệnh không được đi chéo. Điều đặc biệt là chỉ Tư lệnh mới được vào sở chỉ huy.
Hình 5. Cách đi và ăn
2. Quy tắc vượt sông
- Sông có hai đoạn ngầm (xem Hình 2 ), mọi phương tiện đều có thể vượt qua.
- Ngoài hai chỗ đó, còn lại là các đoạn nước sâu, chỉ xe tăng, bộ binh, dân quân tóc dài, Tư lệnh và công binh đi qua được. Các phương tiện nặng (như: cao xạ, pháo binh, tên lửa phòng không) muốn cơ động qua các đoạn nước sâu ấy thì phải được công binh cõng, nếu sai bị mất lượt. Nhưng khi ăn quân đối phương bên kia sông, thì được phép qua thế chỗ luôn bất kỳ đoạn sông nào.
3. Quy tắc sở chỉ huy.
- Trên bàn cờ mỗi bên có 2 khu hầm (hình lô cốt có ăng ten). Chúng tạo thành sở chỉ huy của Tư lệnh.
- Quân sở chỉ huy không được đi và ăn quân đối phương.
- Tư lệnh khi cần vào ẩn nấp trong sở chỉ huy. Chỉ quân tư lệnh mới được vào sở chỉ huy (Đặt quân tư lệnh lên trên quân sở chỉ huy)
Công binh, xe tăng, pháo binh, máy bay… khi cần có thể phá được sở chỉ huy để diệt Tư lệnh đối phương.
4. Quy tắc vùng cấm trên không
- Cao xạ tạo ra vùng cấm (vành đai lửa) trên không thành một hình tròn có cự ly bán kính bằng một đoạn thẳng, (vòng tròn nhỏ như Hình 6).
- Tên lửa phòng không tạo được một vùng cấm hình tròn có cự ly bán kính bằng hai đoạn thẳng (vòng tròn to). Ở góc chéo 45 độ, hỏa lực chỉ phát huy tác dụng trong phạm vi một đoạn).
- Dải hỏa lực phòng không lớn là của tên lửa phòng không.
- Dải hỏa lực phòng không nhỏ là của cao xạ trên bộ và trên tàu chiến tạo ra. Máy bay muốn oanh kích các mục tiêu sâu trong căn cứ đối phương phải dùng xe tăng, bộ binh, pháo binh tập trung tiêu diệt cao xạ và tên lửa. Mục tiêu số 1 là tên lửa phòng không. Nếu tiêu diệt được tên lửa phòng không thì máy bay có thể nhanh chóng oanh kích vào sở chỉ huy và các lực lượng phòng thủ của đối phương.
- Máy bay đối phương xâm phạm vùng cấm là bị cháy. Muốn qua lưới hỏa lực phòng không của đối phương để phát huy sức mạnh của không quân, thì phải tập trung hỏa lực, xung lực của bộ binh, xe tăng, pháo binh thọc sâu tiêu diệt các mục tiêu cao xạ và nhất là tên lửa phòng không trước. Máy bay chủ định oanh kích vào trận địa cao xạ, tên lửa phòng không hoặc một mục tiêu nào khác trong vòng cấm thì một đổi một.
Hình 6. Vùng cấm trên không
5. Quy tắc hoạt động của Tư lệnh
- Tư lệnh không nhất thiết cứ ở trong hầm chỉ huy.
- Tư lệnh được phép thoát ra ngoài, kể cả sang địa phận của đối phương để chỉ huy, để tham gia chiếu Tư lệnh đối phương.
- Tư lệnh không được mặt đối mặt với Tư lệnh. Bên nào sơ hở để lộ mặt trước thì bị Tư lệnh đối phương tiêu diệt.
- Tư lệnh được đi theo trục không hạn chế, miễn là không vướng vật cản, nhưng chỉ được ăn quân đối phương từng đoạn một.
- Khi cần thiết, Tư lệnh được đi thẳng vào công sự, được lên tàu chiến ngoài biển, lên máy bay, xe tăng…
6. Quy tắc hành quân thần tốc
Ba thứ quân: Quân tư lệnh, quân bộ binh và quân dân quân khi cần cơ động nhanh, đẩy mạnh cuộc tấn công, có thể cưỡi lên lưng quân xe tăng, quân công binh, quân không quân và quân tàu chiến. Lúc này tàu chiến trở thành tàu sân bay.
Khi bộ binh cơ động tới cưỡi lên lưng xe tăng, máy bay hoặc xe tăng tới đón bộ binh… phải mất một nước đi. Khi xe tăng, máy bay cơ động lên tàu chiến cũng mất một nước đi. Nhưng khi quân xe tăng, máy bay, tàu chiến đang cõng trên lưng mà đến lượt đi tiếp, thì các quân trên lưng được phép đi và ăn theo các hướng khác nhau, nghĩa là có thể chỉ một nước đi, tổ hợp quân đó có thể ăn vài ba quân của đối phương.
Cũng nói rõ thêm về quân tàu chiến: Trên tàu chiến có tên lửa hải đối hải và pháo hạm thì được phép cùng một lúc ăn hai quân đối phương, nếu quân đối phương trên biển và trên đất liền đều lọt vào tầm ngắm của nó.
7. Quy tắc đứng tại chỗ ăn quân (Không phải thế chỗ):
Pháo trên tàu chiến ăn quân trên bộ, được phép đứng tại chỗ ăn quân. Các loại hỏa khí trên mặt đất ăn quân tàu chiến cũng được phép đứng tại chỗ ăn quân, không phải thế chỗ. Máy bay có thể ăn quân đối phương rồi có thể trở lại vị trí xuất phát (bỏ bom) nếu cảm thấy thế chỗ không an toàn.
8. Quy tắc quân anh hùng
Quân nào có cơ hội trực tiếp chiếu Tư lệnh quân đối phương, buộc Tư lệnh phải chạy thì quân đó được phong quân anh hùng. Khoảng cách đi, ăn và điểm tính của quân anh hùng đều được cộng thêm một đoạn (10 điểm). Ví dụ: Bộ binh thường chỉ đi và ăn quân đối phương một đoạn, khi được là quân anh hùng thì được ăn quân đối phương từ một đến hai đoạn. Xe tăng thường đi và ăn quân đối phương một đến hai đoạn, xe tăng anh hùng được đi và ăn quân đối phương thêm một đoạn là ba đoạn… Đã là quân anh hùng thì đương nhiên được đi cả nước đi chéo 45 độ. Máy bay anh hùng trở thành máy bay tàng hình, tha hồ diệt cao xạ và tên lửa phòng không đối phương mà không bị bắn rơi.
Bên phòng ngự, quân cuối cùng bảo vệ Tư lệnh, măc dù chưa có cơ hội chiếu tư lệnh đối phương cũng được phong anh hùng và được hưởng quy chế như trên. Vì vậy người chơi phải hết sức tỉnh táo với những quy định này.
9. Quy tắc tính điểm
Căn cứ để tính điểm như sau:
Bộ binh, công binh, cao xạ, dân quân “tóc dài”: 10 điểm.
Xe tăng, tên lửa phòng không: 20 điểm.
Pháo binh: 30 điểm.
Máy bay: 40 điểm.
Tàu chiến trên có tên lửa, cao xạ và pháo binh được cộng tiêu chuẩn của ba thứ vũ khí: cao xạ 10 điểm + pháo 30 điểm + tên lửa hải đối hải 40 điểm = 80 điểm.
VI- Các cách ghi biên bản cờ tư lệnh
Quá trình thi đấu, nhiều khi cần phải ghi lại những nước cờ hay của mình và đối phương để nghiên cứu tìm ra quy luật và chiến thuật thi đấu hay, tìm ra nguyên nhân thắng thua.
Có thể có thư ký ghi trực tiếp quá trình các nước đi của hai bên từ lúc bắt đầu đến khi kết thúc ván cờ, như thế là để hỗ trợ cho trọng tài có được bằng chứng xác thực.
Người chơi cũng có thể tự mình nhớ và ghi lại trong khi chơi đã xuất thần có được nước cờ hay để tìm ra đấu pháp cho các ván cờ sau.
Một số ký hiệu đơn giản dễ nhớ có thể tận dụng:
- Ăn quân: @
- Đứng tại chỗ ăn: + @ K…@... (Không quân xanh (đỏ) đứng tại chỗ ăn quân, như bỏ bom).
+ @ H…@...(Hải quân đỏ (xanh) đứng tại chỗ bắn vào đất liền).
- Máy bay bị cháy @” (Màu đỏ nét đậm), ví dụ: K9,8@”P5,8 (K9,8 định ăn P5,8 nhưng sa vào vòng lửa cháy).
- Đi quân: _ (gạch ngang dưới dài).
- Chiếu: >
- Chiếu hết: ^ (Không chỉ chiếu hết Tư lệnh, mà chiếu hết cả hải chiến, không chiến…)
- Một đổi một: > <
- Quân tổ hợp đi: Quân chồng lên nhau ví dụ bộ binh trên xe tăng ghi là (TB). Máy bay, xe tăng trên tàu chiến (thành tàu sân bay) đi từ tọa độ 5.2 tới 9,2 ghi là (HTK) 5.2_9.2
- Quân tổ hợp đi và ăn quân ghi như sau: (HTK)H9.2@H11.2/T9.2_9.4/ K9.2>*11.4
- Bị thua: !!
- Phong anh hùng: H K B (Ký hiệu đậm nét)
- Nước cờ hay: +
- Nước cờ quá hay: ++
- Nước cờ dở: -
- Nước cờ quá dở: --
- Cờ hòa: =
- Nước cờ nghi ngờ: ?
- Sai luật: $
VII- Ván cờ kết thúc như thé nào
A. Khi chơi theo thời gian, 10 hoặc 15 phút, trong giờ giải lao, cờ sẽ kết thúc khi đến giờ quy định và thắng thua tính theo số điểm, như trong quy tắc đã nói. Trong các cuộc thi có thể phân thắng bại qua ba hoặc năm ván, tính theo điểm, nếu không kết thúc từng chiến cuộc. Mỗi ván thường từ 10 đến 15 phút.
B. Khi chơi không khống chế thời gian:
- Kết thúc khi dừng chơi, thắng thua tính theo số điểm của các quân mỗi bên ăn được.
- Kết thúc khi trận không chiến kết thúc, nghĩa là khi một bên mất cả hai quân máy bay không còn sức chiến đấu trên không nữa.
- Kết thúc khi trận hải chiến kết thúc, nghĩa là khi một bên mất cả hai quân tàu chiến không còn sức chiến đấu trên biển nữa.
- Kết thúc khi chiến tranh cục bộkết thúc, nghĩa là khi một bên mất hết quân xe tăng, quân bộ binh, quân pháo binh, không còn sức chiến đấu nữa.
- Kết thúc khi Tư lệnh bị bắt sống, bị chiếu hết đường thoái lui, hoặc Tư lệnh không còn quân để chỉ huy chiến đấu nữa.
Hải chiến, không chiến, chiến tranh trên bộ: Bên thắng, ngoài số điểm tính theo số quân ăn được còn được thưởng 100 điểm. Riêng trận thắng tuyệt đối, diệt được Tư lệnh, ngoài số điểm tính theo số quân ăn được còn được thưởng 200 điểm và người thắng trận được phong là Siêu Tư lệnh.
Quá trình chơi Cờ tư lệnh, có thể rút ra cách đánh sao cho hiệu quả cao nhất, ít mất quân mà vẫn giành được thắng lợi. Qua một thời gian rèn luyện, khi đã chơi thành thạo, người chơi cờ có thể rút ra các nước chơi, các thế cờ tối ưu.
Chơi Cờ Tư lệnh, không bị gò bó về bố trí quân, mặc sức phát huy tối đa mưu trí, sáng tạo, quyết đoán, rèn luyện tài tổ chức lực lượng chiến đấu giành chiến thắng.
Khi đã chơi thành thạo, người chơi chuyển lên chơi nâng cao. Trong cách chơi nâng cao, hai bên bí mật bố trí đội hình tác chiến của mình. Khi vào cuộc chơi hai bên mới cùng để lộ đội hình, như thế buộc người chơi phải nhanh chóng xử trí mọi tình huống như Bác đã căn dặn:
…
Hà Nội, ngày 15 tháng 5 năm 2013
Người sáng chế
Nhà văn Nguyễn Quí Hải
- Log in to post comments